Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

VĂN HÓA NƯỚC NHÀ NỢ ĐỌNG – NỢ XẤU MỘT HỘI NHÀ VĂN ?

VĂN HÓA NƯỚC NHÀ NỢ ĐỌNG – NỢ XẤU MỘT HỘI NHÀ VĂN ?
 Nguyễn Hoàng Đức

Thế là Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đã xét duyệt rồi trao giải thưởng văn học năm 2012, có cả báo cáo đọc trước toàn thể nữa. Việc của Hội, hội cứ ra quân và làm triệt để tốc chiến tốc thắng. Hội có quyền có chức có con dấu do nhà nước cấp, nên Hội đã làm là phải được, và làm lấy được mới thôi. Dân ngoài Hội chỉ là đám dân đen làm sao ngăn cản bánh xe của quốc doanh mậu dịch?

Việc của hội, hội cứ làm. Việc của người dân thấp cổ bé họng chẳng lẽ lại không dám xem xét bình luận. Tôi có quan hệ khá tốt với một số thành viên trong Hội, nên tôi không có ý định ám thị bôi xấu gì. Vả lại, chữ nghĩa là bút sa gà chết, tôi viết ra rồi công bố lên mạng thì tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước bạn viết, bạn đọc và công luận. Là người có lương tri công dân bình thường thấy sao phải nói vậy, là người cầm bút thì phải biết làm chứng cho thời đại của mình. Vậy tôi xin chỉ  đặt ra những câu hỏi cho Ban chấp hành HNV.

1-    Uy tín quá thấp của Hội Nhà văn?


Trong kinh tế, xí nghiệp nào làm ăn thua lỗ thì phá sản và giải tán. Hội Nhà văn làm ăn trên cánh đồng văn hóa có thua lỗ không? Việc Phạm Ngọc Cảnh Nam là người ngoài hội với tác phẩm Thế kỷ bị mất đã từ chối giải thưởng, và nhà văn Y Ban với Trò chơi hủy diệt cảm xúc, là thành viên trong ban giám khảo cũng từ chối giải thưởng. Đó có phải cả người bên trong sâu nhất và người bên ngoài xa nhất đều biểu thị sự khinh bỉ phẩm chất của ban chấp hành HNV? Liệu có thể tìm ra bằng chứng nào rõ ràng hơn thế không?

2-    Trình độ chính trị quá thấp của Hội Nhà văn ?

Việc một ủy viên ban chấp hành nhanh nhẹn trả lời dư luận rằng HNV không có lợi ích nhóm. Các ông nói thế mà không biết rằng mình đang đi ngược lại sinh hoạt chính trị của quốc gia à? Năm ngoái nghĩa là trong năm diễn ra việc xét duyệt các giải thưởng này, tập thể lãnh đạo cao nhất của nhà nước đã mở đầu và còn đang tiến hành sinh hoạt chính trị, phê bình kiểm điểm mạnh mẽ tệ tham nhũng, cửa quyền , lợi ích nhóm, với việc “có một đồng chí X”, vậy mà các ông chỉ là hội nhỏ bé nằm dưới sự chỉ đạo của cấp trên lại dám nói mình không hề có lợi ích nhóm à? Như vậy là rất kém cỏi về trí khôn, tớ đòi khôn hơn chủ. Tớ đòi mặt sạch để chủ mặt nhem nhuốc sao? Các ông là nhà văn quốc doanh mà không biết chuyện tiếu lâm này sao: đến chơi nhà người ta, ông chủ tự nhiên lại đánh trung tiện, đầy tớ theo sau nhanh nhẹn bảo với mọi người là “của con đấy”. Đấy là bài học nhận cái xấu về mình để chủ sáng giá hơn. Đằng này các ông lại đòi sạch và khôn hơn chủ, ngày xưa thì xử tội gì? Có hay không việc HNV tham nhũng? Chẳng lẽ không? Nhà nước đang có cảnh mua quan bán chức, chẳng nhẽ các ông đủ cao quí để đứng ngoài cuộc? Nếu tham nhũng thì các ông tham nhũng cái gì? Quyền? Danh lợi? Giải thưởng? Có người trong hội còn nói “người ta còn tham nhũng cả gái”, có không?

3-   Trình độ văn học quá thấp:

Nhà thơ Phạm Đương được trao giải với tập thơ “Giờ thứ 25”, đây là tên tập tiểu thuyết viết về Đại chiến thế giới hai của nhà văn Roumanie Constantin Virgil Gheorghiu. Đây là một tác phẩm rất lớn, rất nổi tiếng thế giới, mà đông đảo nhà văn, nhà thơ trong ban giám khảo lại không hề biết, thử hỏi trình độ các ông ở mức nào? Đến khi có người chỉ ra, các ông vẫn tin vào sự lý giải của Phạm Đương rằng : ngẫu nhiên trùng tên. Người ta liệu có thấy một chiếc xe chở tre lá lại rơi ra một con chíp điện tử không? Giờ thứ 25 là biểu tượng cho một thế giới tận thế giống như nó đang trôi vào thảm kịch của Đại chiến thế giới hai với từng đoàn tầu chở người đi vào lò sát sinh. Vậy mà đọc một anh làm thơ tỉnh lẻ dùng một cái tên có hàm lượng cao như vậy, các ông cũng không cảm giác được, thử hỏi các ông trình độ nào? Napoleon nói : “Quá bao dung với tội lỗi là đồng lõa với tội lỗi”.  Việc các ông cố tình cho giải đạo văn tên gọi này, có phải đồng lõa với việc đạo văn không? Hay các ông nghĩ rằng mình cũng thường đạo văn rồi có thêm một người cho có đồng đội?

4-    Tham nhũng và thách thức dư luận sờ sờ:

Việc thành viên trong ban giám khảo cũng dự thi có phải vừa đá bóng vừa thổi còi không? Việc chưa đầy nửa khóa các ông đã gắp giải cho một nửa ủy viên ban chấp hành, như vậy có tham lam không? Có lợi dụng cửa quyền không? Có trắng trợn thách thức dư luận không? Hội Nhà văn là hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Chính trị cao nhất của nước ta là công tác vận động quần chúng, vậy mà các ông không chịu mở cửa phát hiện ra quần chúng xuất sắc lại đóng cửa gắp giải cho nhau, thì còn làm chính trị cái gì nữa?

5-    Bất công, thiên vị ?
Việc các ông trao giải cho nhà thơ Thanh Thảo với những lời lẽ văn hoa bay bướm, đấy là văn tán. Các ông không tin cứ ra đề đi, tôi tán bất cứ thứ gì trên đời hay hơn và hùng biện hơn 100 lần, nhưng đó không phải là công lý và giá trị . Thanh Thảo văng cả cứt, cả “đếch” vào thơ. Rồi Phạm Đương liên tục văng “đếch” nữa, đó không phải bằng chứng về văn hóa đầu gấu sao? Đã là đầu gấu liệu có gọi là văn hóa?

Nhiều lãnh đạo cao cấp đã từng đánh giá về văn nghệ sĩ, trí thức Việt ( chỉ là nói miệng bên lề, nên tôi không trích cụ thể, tuy vậy hiện thực vẫn còn luôn chứng tỏ ngay trước mắt): học hành không đến đầu đến đũa, không hiểu cái gì cụ thể mạch lạc. Còn đây một bạn viết, để lại tên tuổi địa chỉ đàng hoàng đã viết: “Nhiều người đến hội họp các hội cũng vì tò mò, nhàn rỗi, thích nhìn cảnh “máu me” như một trò tiêu khiển chứ “học thuật văn chương” gì với những cái đầu đất và tay nghề loại hạng bét cả đời chẳng có lấy một tác phẩm cho ra hồn? Nói như mình đây cả đời lao động hết sức hết mình bên giá vẽ còn chả dám nói học thuật, huống chi ba cái thứ “họa mồm” lăng nhăng? Hết nói!!!!! ( Đỗ mạnh Cương, họa sỹ, Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam- Địa chỉ: Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội).

Doanh nghiệp kinh doanh lỗ vốn thì phá sản. Hội Nhà văn lẹt đẹt thế sao không phá sản? Xin thưa, chẳng qua là vì các ông vẫn còn được hà hơi tiếp sức bởi vốn nhà nước mà thôi. Còn trong thực tế, với giải thưởng cố đấm ăn xôi này là lá bài các ông đã phơi lộ toàn thể về vốn liếng của mình cả trình độ lẫn nhân cách. Một cô gái không biết run rẩy sẽ không thể nào đạo hạnh. Một người đàn ông không run rẩy sám hối sẽ không thể trở nên cao thượng. Một cỗ máy khám phá sao hỏa nếu không nhờ những chùm ăng ten nhậy cảm sẽ không thể nào vượt địa hình phức tạp. Nhà văn, nhà thơ muốn đào luyện mình trở nên cao cả càng cần yếu đuối và run rẩy và trắc ẩn trong tâm hơn ai hết. Nhưng các ông lại đang hùng dũng cán đích giải thưởng gắp cho nhau băng mọi giá. Đó chỉ là cách soạn trước diễn văn bế mạc theo công thức của các hội nghị mà thôi. Các ông càng hùng dũng bao nhiêu thì càng yếu ớt và đơn giản bấy nhiêu. Vì đó chỉ là sự hùng dũng của cơ bắp và những cỗ máy đơn giản. Hãy nhìn xem, cái xe cải tiến đi băng băng, đơn giản lắm, ít hỏng lắm, nhưng làm sao nó có thể mang hàng triệu ăng ten nhạy cảm như cỗ máy chinh phục vũ trụ?

Ôi nhà văn, nhà thơ quần chúng mậu dịch nước Nam ta, mới chỉ có chân đất, thơm mùi đống rơm, đống rạ làm sao có thể đi xuyên qua thế kỷ và thời đại để đi đến “giờ thứ 25”? Làm sao có thể “Chân dép lốp mà lên tầu vũ trụ”? Nếu có kiếm được chút vinh quang chỉ là đi nhờ mà thôi. Nhưng ngay cả cái việc đi nhờ ấy, chân dép lốp còn sang hơn chân đất, mà có được cấp phát dép mậu dịch cũng chẳng bao giờ leo được lên tầu lượn, chứ không nói tầu vũ trụ. Việc các ông trao giải cho nhau chỉ là cách đóng dấu cho chân đất mà thôi. Chân đất ngồi lỳ xó bếp dù có được đóng dấu cũng còn xa mới tới được đôi chân của kẻ hành hương mang tín ngưỡng của miền đất hứa trong đầu, và cũng còn thua xa một đôi chân biết nhảy trong vũ điệu. Chân hành hương hay chân biết nhảy ở các nước có khi là toàn thể dân số, còn ở ta vẫn còn mang chân đất ra làm duyên một cách hiếm hoi như vàng, rồi còn ẵm giải quốc gia của đồng đội cánh hẩu nữa, quả là bất sánh về mỹ học quê mùa!

Có mấy lời chia sẻ với làng văn và bạn đọc. Xin cám ơn!

NHĐ  30/1/2012

Tác giả gửi cho NTT blog

Nguồn: Nguyen Tuong Thuy's blog

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Nên tỉnh táo và khách quan


Sau nhiều lần đổi mới, cuối cùng nhiều quan niệm, tư duy, cung cách hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học ở các nước tiên tiến đã dần dần được tiếp thu và phổ biến, tuy chậm chạp nhưng cũng đã đưa lại nhiều thay đổi tích cực, trong đó sự thành lập và hoạt động của Nafosted là một trong những bước tiến đáng kể nhất. Giờ đây chỉ có vấn đề là trong khi kiên quyết đi theo con đường cải cách đứng đắn, chúng ta cần tỉnh táo và khách quan để tránh những sai lầm không đáng có có thể làm chậm lại bước tiến của chúng ta.
Đó vừa là quan điểm vừa là mong muốn của GS Hoàng Tụy trong cuộc trao đổi đầu năm 2013 với Tia Sáng.


Thưa GS, trong chúng ta hẳn ai cũng thấy đánh giá gần đây của WIPO về hiện tình trí tuệ quốc gia của VN so với các nước trong khu vực là xác đáng. Đã có nhiều bình luận về sự kiện này, coi đây là một cảnh báo về những hạn chế, yếu kém trong giáo dục và khoa học. Tuy nhiên trong bức tranh chung của khoa học và  công nghệ VN, có phải chỉ toàn điểm tối và có phải về lĩnh vực nào, về bất cứ vấn đề gì khoa học và  công nghệ VN cũng quá tụt hậu, ảm đạm như ý kiến một số người, cả trong nước và ngoài nước, đã phát biểu nhiều lần trên báo chí thời gian qua? Quan điểm của GS về vấn đề này?

Về điểm này tôi đồng ý với phát biểu gần đây của Bộ trưởng Bộ KH & CN Nguyễn Quân trong cuộc gặp gỡ 150 tài năng trẻ KH&CN (Tia Sáng số 22). Không ai hơn những người trong cuộc cảm nhận rõ sự tụt hậu và yếu kém của khoa học VN, nhất là khi sự trì trệ đã kéo dài nhiều thập kỷ. Hằng năm không ít nhà khoa học VN có thời gian làm việc ở nước ngoài, hợp tác với nước ngoài, trên cương vị bình đẳng, do đó chúng ta không xa lạ gì môi trường khoa học quốc tế. Mỗi lần đi ra nước ngoài là một dịp day dứt trông người lại nghĩ đến ta. Khổ nỗi bụt nhà không thiêng, cho nên rất cần thiết các bạn đồng nghiệp ở nước ngoài lên tiếng mạnh mẽ chỉ rõ những yếu kém của khoa học VN, nhất là về cơ chế và chính sách quản lý, điều hành. Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng nên tỉnh táo nhận định đúng mực tình hình, không nên bảo thủ, nhưng cũng đừng quá bận tâm một số thông tin thiếu cơ sở, thường dựa trên phân tích những bảng thống kê không đủ tin cậy mà không có điều tra nghiên cứu thận trọng. Chẳng hạn, những khẳng định như “tổng số công bố quốc tế của VN không bằng của riêng Đại học Chulalongkorn” hoặc “trước 2011 toán học của Thái Lan kém VN, nhưng năm 2011 Thái Lan đã vượt VN”, “gần 45% những bài báo toán học của VN chưa bao giờ được trích dẫn”, “trong số bài của ngành toán VN được trích dẫn gần 40% là tự trích dẫn, tỉ lệ này cao nhất thế giới”, “sinh viên VN có học bổng muốn học thống kê, Mỹ gửi sang Thái Lan học”, vân vân, những thông tin loại như vậy theo tôi chẳng giúp được gì mà tính xác thực lại rất đáng ngờ.

Nhưng những thông tin mà họ đưa ra như hơn 9000 giáo sư không có bằng sáng chế, theo họ “chỉ số quan trọng và khách quan để đánh giá thành tựu khoa học của một nước là số bằng sáng chế”, cụ thể hơn là bằng sáng chế Mỹ, thế mà cả năm 2011 VN không có bằng sáng chế nào, trong lúc Thái Lan có 53 bằng, Malaysia có 162 bằng; 90% các công trình khoa học “đắp chiếu” (không có ứng dụng thực tế), phải chăng cũng là những bằng chứng khó bác bỏ?

Trên thế giới không ai lấy số lượng bằng sáng chế làm thước đo năng lực của một nhà khoa học, của một nền khoa học. Số lượng bằng sáng chế phản ảnh mức độ, chứ chưa phải chất lượng, hoạt động sáng tạo công nghệ. Bằng sáng chế quá ít, chứng tỏ công nghệ quá yếu kém, đúng là thế, song không phải nước nào có bằng sáng chế nhiều hơn thì ắt phải có công nghệ phát triển hơn (chẳng hạn Hàn Quốc với số dân ít hơn các nước Đức, Anh, Úc  nhưng số bằng sáng chế năm 2011 vượt trội nhiều lần, không có nghĩa công nghệ Hàn Quốc đã vượt các nước đó). Với VN, ai cũng biết mấy chục năm qua đường lối phát triển kinh tế chỉ dựa chủ yếu vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ, không dựa vào tăng chất lượng, năng suất, hiệu quả thì lấy đâu ra bằng sáng chế. Điêu quan trọng là không nên lẫn lộn khoa học với công nghệ, dù hai thứ đó liên quan khăng khít. Khác với công nghệ, hoạt động sáng tạo khoa học thể hiện chủ yếu ở các công trình khoa học. Khi hầu hết giáo sư ở các nước phát triển không hề có bằng sáng chế nào thì sao có thể trách mấy nghìn giáo sư VN không có bằng sáng chế. Hơn nữa đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ khá tốn kém, cho nên hàng trăm số sáng chế của VN chỉ đăng ký trong nước. Tuy nhiên sự phát triển của công nghệ thường đi đôi với sự phát triển của khoa học, cho nên số bằng sáng chế ít đến mức nào đó là dấu hiệu khoa học tách rời với công nghệ - hậu quả sự bất cập về chính sách quản lý.

Liên quan với vấn đề này cần tỉnh táo với quan điểm thực dụng thiển cận, thường khoác áo chính trị “khoa học phải phục vụ đời sống, phục vụ sản xuất” để bác bỏ sự cần thiết của nghiên cứu cơ bản, đòi hỏi mọi nghiên cứu khoa học phải có ứng dụng ngay, mà không biết rằng hơn 99% công trình khoa học trên thế giới đâu có ứng dụng trực tiếp ngay được. Điều có vẻ như nghịch lý nhưng thuộc bản chất hệ thống của khoa học là nếu không có 99% công trình khoa học tưởng như vô ích kia thì cũng chẳng thể có 1% công trình hữu ích nọ. Chưa kể có những phát minh khoa học phải đến nhiều thập kỷ, thậm chí cả trăm năm sau, mới tìm thấy ứng dụng. Cái khó ở đây cũng như trong mọi chuyện quan trọng ở đời là nhận biết và giữ gìn được sự cân đối hài hòa. Cho nên phải thận trọng và kiên nhẫn, nhất là ở các nước đang phát triển, không thể cực đoan thô bạo đối xử với khoa học được. Mặt khác, về phía nhà khoa học tất nhiên không thể vin vào đó để cứ mải mê nghiên cứu trên mây trên gió mà không chú ý những vấn đề có tiềm năng ứng dụng. Nói thế có vẻ như ba phải, song thực tế cuộc sống là vậy, quá chiều này là bất cập, quá chiều kia là thái quá, đều sai.

Cũng trên báo chí đã có ý kiến phê phán gay gắt chủ trương xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp về toán học, coi đó là một sự lãng phí, với lập luận, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam chỉ cần phát triển các ngành khoa học dùng toán học (mathematical sciences), chứ hoàn toàn không cần phát triển ngành toán học. Ý kiến đó có thỏa đáng không ?

Trước hết cần khẳng định mọi nhà khoa học nghiêm túc trên thế giới đều biết rằng không thể xây dựng khoa học hiện đại mà không cần toán học. Đương nhiên phản biện bao giờ cũng cần thiết, trong xã hội ta lại càng cần thiết, cho nên việc phê phán các chủ trương phát triển khoa học như lập Viện nghiên cứu cao cấp về toán học rất đáng hoan nghênh. Chỉ tiếc lập luận ở đây không được xác đáng, nhiều phần khiên cưỡng, khó thuyết phục. Chẳng hạn, để chứng minh chi tiêu cho toán học ở Viêt Nam là quá sang, tác giả dẫn chứng ở một nước giàu như Úc mà kinh phí tài trợ nghiên cứu không được phép chi cho đi dự hội nghị hay trả tiền máy bay để mời chuyên gia nước ngoài về làm seminar (?!). Tác giả cũng so sánh chi phí xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp gấp bao nhiêu lần thu nhập bình quân của một người dân để nói rằng chi phí cho Viện là gánh nặng quá đáng cho dân. Thiết tưởng với lập luận như thế có lẽ VN không nên xây dựng các trường trung học phổ thông, chứ đừng nói đại học hay viện nghiên cứu.

Thông thường, yêu cầu cơ bản khi đầu tư là phải tính hiệu quả, tức là cái lợi thu được so với chi phí bỏ ra. Các nước văn minh đều làm như vậy, các nước nghèo càng phải làm như vậy mới mong mau thoát được nghèo nàn, lạc hậu. Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương về chuyện này. Lãng phí trong khoa học ở VN thì không hiếm nhưng cần khách quan để nhận diện đúng những lãng phí nào cần lên án. Viện nghiên cứu cao cấp vừa mới khai trương, phải đợi xem hiệu quả có tương xứng với đầu tư không mới có cơ sở để đánh giá. Tôi nghĩ nếu các bạn đồng nghiệp ở trong nước hay ở nước ngoài tập trung góp ý kiến cụ thể về ngành chuyên môn mình thông thạo thì sẽ giúp ích được nhiều hơn là lấn sang những lĩnh vực mình không am hiểu tường tận. Nhất là trong bối cảnh VN hiện nay, kinh tế suy sụp, khoa học yếu kém đang là nỗi bức xúc của mọi người thì những lời phê phán mạnh mẽ, dù dựa trên những lý lẽ cực đoan đến vô lý vẫn dễ được một bộ phận công chúng tiếp nhận. Nếu không tỉnh táo những ý kiến đó có thể tạo áp lực, gây thêm trở ngại không đáng có cho việc phát triển khoa học vốn đã quá khó khăn so với các nước khác.

Sau mấy năm hoạt động của Nafosted, kết quả tích cực đã rõ, nhưng do cách đánh giá nhà khoa học nặng về số lượng công trình ISI, ít chú ý chất lượng nên đã có xu hướng chạy theo các tạp chí ISI nhưng chất lượng thấp để dễ đăng bài, khiến các tạp chí trong nước, dù là tạp chí quốc tế nhưng chưa vào ISI thì vẫn sẽ không được các tác giả ưa chuộng đăng bài bằng các tạp chí ISI chất lượng thấp. Điều này tạo bất lợi cho việc cạnh tranh của các tạp chí VN với các tạp chí quốc tế khác… Theo GS giải pháp nào để ngăn ngừa, hoặc hạn chế những hệ lụy tiêu cực này?

Trước hết cần khẳng định việc sử dụng các chỉ tiêu định lượng (số lượng công bố, chỉ số trích dẫn, v.v. ) làm tư liệu tham khảo để giúp đánh giá các cộng đồng nghiên cứu và cá nhân các nhà khoa học là xu thế tất yếu tại hầu hết các nước tiên tiến. Nhưng số lượng chưa biểu thị chất lượng, và hơn nữa, như nhiều nhà khoa học đã vạch rõ, làm sao một công trình nghiên cứu 170 trang như của Ngô Bảo Châu chẳng hạn có thể so sánh với 17 bài báo 10 trang. Khi đánh giá một cá nhân thì chỉ tiêu định lượng có thể đánh lừa và không bao giờ thay thế được sự phân tích định tính của những chuyên gia am hiểu. Chỉ tiêu định lượng cũng giống như số đo nhiệt độ và các kết quả xét nghiệm về máu v.v. đều rất cần xem xét khi chẩn đoán bệnh, nhưng không thể thay được thầy thuốc. Hơn nữa có những nhà khoa học lớn mà ít công bố, lại có những nhà khoa học xoàng mà công bố rất nhiều.

Chỉ tiêu định lượng cũng chỉ đo được hoạt động chung của một cộng đồng, trình độ trung bình của các thành viên, chứ không thể nói gì về những chuyên gia tầm cỡ trong cộng đồng; cho nên ở đây sự phân tích định tính hết sức cần thiết. Chẳng hạn, cho dù số lượng công bố quốc tế về toán của Thái Lan năm 2011 có vượt VN thì cũng chưa thể kết luận toán học Thái Lan vượt VN vì số nhà toán học tầm cỡ ở hai nước khá khác nhau.
Tuy nhiên, khi xét hoạt động nghiên cứu của một cộng đồng lớn (như một viện, một đại học, hay một nước) thì luật số lớn sẽ khử các dị biệt cá thể nên chỉ tiêu định lượng sẽ có ý nghĩa nhiều hơn là khi xét một cá nhân, đặc biệt nếu so sánh hai cộng đồng cùng một ngành chuyên môn. Dù vậy, đối với VN khoa học xã hội do đặc thù ý thức hệ rất khó so sánh với các nước khác chỉ bằng số công bố quốc tế. Cho nên các chỉ tiêu định lượng tuy là tư liệu tham khảo cần thiết nhưng cần được sử dụng thận trọng, đối với từng nước, từng ngành, và luôn phải kết hợp với đánh giá định tính của chuyên gia. Các nước phát triển có điều kiện huy động đủ chuyên gia giỏi, trong nước hoặc ở các nước khác, nên việc xem xét mặt chất lượng khi đánh giá không khó khăn. Còn ở các nước kém phát triển như ở ta thì thường thiếu chuyên gia giỏi, có uy tín nên có xu hướng sử dụng máy móc các chỉ tiêu định lượng để đánh giá nhà khoa học và cộng đồng khoa học.

So với cách làm tùy tiện trước đây, cách đánh giá như vậy dĩ nhiên có khách quan, tiến bộ hơn, gần hơn với các cách làm ở các nước, nhưng dù sao vẫn còn thô và tới đây, với trình độ phát triển của khoa học, cũng cần cải tiến để chú ý nhiều hơn đến mặt chất lượng, tức là mặt định tính. Chẳng hạn, việc thiếu chuyên gia giỏi có thể khắc phục bằng cách mời chuyên gia quốc tế tham gia đánh giá. Vì thực tế cho thấy chuẩn dựa trên ISI đơn thuần còn quá thô, nên có thể chuyển dần sang cách xếp hạng các tạp chí quốc tế theo A*, A, B, C mà mỗi ngành đều có thể làm được (cụ thể xem ở box). Dù theo cách nào các bảng xếp hạng cũng chỉ có giá trị tham khảo.

Còn việc dành một phần kinh phí tài trợ cho nghiên cứu để tăng thêm thu nhập cho những nhà khoa học tham gia đề tài, GS thấy thế nào?

Đúng là trong bối cảnh lương quá thấp, việc Nafosted cấp kinh phí tài trợ nghiên cứu khoa học như hiện nay là cần thiết nhưng về lâu dài có thể tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực không mong muốn như: khuyến khích “chạy đề tài”, giành đề tài bằng những vận động không lành mạnh; khuyến khích dối trá, thiếu trung thực, thâm chí đạo văn (bệnh này đã đạt mức khá trầm trọng), do áp lực thu nhập từ đề tài quan trọng hơn lương; khuyến khích lơ là với những nhiệm vụ khác ít liên quan các đề tài nghiên cứu, v.v.

Để tránh những hệ lụy đó, tốt nhất về lâu dài là phải tiến tới chế độ tương tự như ở các nước phát triển: lương trả theo năng suất tổng hợp, tức là theo nhiệm vụ chức năng, có tính đến thành tích khoa học từ lúc vào nghề, còn kinh phí cấp cho đề tài thì không được dùng phụ thêm thu nhập mà chỉ được dùng để tạo phương tiện thực hiện đề tài nghiên cứu như mua sắm thiết bị, trả lương nghiên cứu sinh nếu có, tham dự các hội nghị, hội thảo chuyên môn, trả phí mời chuyên gia nước ngoài để hợp tác nghiên cứu, v.v. Muốn làm được như vậy điều kiện cần thiết trước hết là phải cải cách chế độ lương, đảm bảo cho nhà khoa học mức sống xứng đáng với năng suất và nhiệm vụ, để có thể yên tâm thực hiện những nghiên cứu cần thiết, dù lâu dài hay khó khăn, mà không phải chịu áp lực cuộc sống chi phối quá nặng như hiện nay. Khi ấy tài năng khoa học mới có thể được phát huy tối ưu. Xem ra hiện nay triển vọng thực hiện còn thấp, nhưng đó là mục tiêu đúng đắn cần phấn đấu hướng tới.

    VĂN THÀNH thực hiện

Để có những chỉ tiêu định lượng hợp lý đầu tiên phải xác định thế nào là công bố quốc tế.

Trước đây, trong ngành toán chẳng hạn, theo Liên đoàn Toán quốc tế, công bố quốc tế được hiểu là những công trình đăng trong các tạp chí được điểm duyệt đều đặn trên một trong 4 tạp chí điểm duyệt quốc tế: Math. Review, Zentralblatt, Bulletin Signalétique, hay Referativnyi Jurnal. Hiện nay các công bố ISI thường được xem là bảo đảm một giá trị “chuẩn” tối thiểu. Tuy vậy khi đánh giá các hồ sơ khoa học người ta vẫn xem xét cả những công bố quốc tế khác trên các tạp chí có tổ chức bình duyệt. Vì danh sách các tạp chí ISI ngày càng mở rộng, bao gồm cả nhiều tạp chí chất lượng không tương xứng, nên cách làm tốt nhất là trong mỗi ngành chuyên môn, các chuyên gia có thể đánh giá chất lượng các tạp chí quốc tế xếp theo mấy hạng A* (rất tốt), A (tốt), B (khá), C (xoàng), không phân biệt ISI hay không. Hiện nay Nafosted đang lấy ISI làm chuẩn, nhưng sắp tới cũng nên nghiên cứu sử dụng cách phân hạng ấy thì tốt hơn (trong bảng xếp hạng của Úc về toán khá nhiều tạp chí ISI chỉ xếp cùng hạng C với hai tạp chí VN).
Bước thứ hai để hoàn thiện các chỉ tiêu định lượng là tính chỉ số trích dẫn (Citation Index) của các công bố và chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) của các tạp chí. Đây là những chỉ số nói lên mức độ công trình ấy hay tạp chí ấy được quan tâm (chứ không nhất thiết được coi trọng) trong cộng đồng khoa học quốc tế. Chỉ số trích dẫn cao thì nói chung có thể coi là được nhiều người quan tâm. Nhưng cũng như các chỉ số định lượng khác chỉ số trích dẫn cần được sử dụng thận trọng và không thể hoàn toàn thay thế chuyên gia.1 Hơn nữa, cách tính chỉ số trích dẫn phụ thuộc sự lựa chọn các tạp chí nào được xét đến để tính số lần công trình ấy được trích dẫn, nên có thể khác nhau tùy  sự lựa chọn đó. Chẳng hạn, về toán chỉ số trích dẫn theo Mathscinet đối với các công trình toán ứng dụng thường thấp hơn rất nhiều so với Google Scholar, vì Google Scholar thống kê cả những trích dẫn từ nhiều tạp chí ứng dụng toán mà Mathscinet không tính đến. Hơn nữa cách trích dẫn cũng không được chuẩn hóa, nhiều tác giả trích dẫn lung tung cả những công trình chẳng ăn nhập gì với nội dung nghiên cứu. Chỉ mươi năm gần đây các tạp chí nghiêm túc mới có quy trình kiểm tra để loại bỏ khỏi danh mục trich dẫn những công trình không được thật sự trích dẫn trong bài. Thực tế đã có nhiều trường hợp hai ba tạp chí hợp tác với nhau để ngụy tạo chỉ số trích dẫn làm tăng cao chỉ số ảnh hưởng của nhau và tăng cao chỉ số trích dẫn của các tổng biên tập. Sự gian lận trong khoa học ngày càng xảy ra nhiều, đòi hỏi không thể chỉ tin vào các chỉ tiêu định lượng mà bỏ qua hay coi thường đánh giá định tính của chuyên gia. Mấy năm gần đây lại xuất hiện loại tạp chí “open access” dưới dạng điện tử, cho phép tự do truy cập, nhưng thường đòi hỏi các tác giả muốn đăng bài phải trả phí khá cao. Một số tạp chí loại này cũng vào danh mục ISI, nhưng do tính cách thương mại khá lộ liễu nên chưa tranh thủ được sự tin tưởng của các tác giả nghiêm túc.

--------------
1 Tôi có biết một nhà khoa học viết gần chục bài sai, mỗi bài sai bị nhắc tới (để chỉ cái sai) trong 4-5 bài của các tác giả khác, vị chi riêng nhờ bài sai đó anh ta đã có khoảng 40-50 trích dẫn! Và lại có những công trình nhiều năm liền chẳng có trích dẫn nào, nhưng sau đó lại lọt vào số 10 công trình hằng năm được trích dẫn nhiều nhất trong ngành.
Nguồn: tiasang