Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

NHNN lấy đâu ra tiền cho vay mua nhà và mua nợ xấu?

Đối với người không chuyên như chúng ta, có lẽ cũng không cần hiểu “tài khóa” và “tiền tệ” là gì, khác nhau như thế nào. Khổ nỗi, chúng là những khái niệm cơ bản để hiểu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy đâu ra tiền để rót vào bất động sản cũng như lấy đâu ra tiền để giải quyết đống nợ xấu mà không sử dụng đến ngân sách.

Tài khóa khác tiền tệ

Nói một cách đơn giản hóa, Bộ Tài chính lo các “chính sách tài khóa”; Ngân hàng Nhà nước lo các “chính sách tiền tệ”.

“Chính sách tài khóa” thì liên quan đến việc tăng (giảm) thuế, tăng (giảm) mức chi tiêu của chính phủ. Chính phủ thu thuế và các nguồn khác vào ngân sách để có tiền mà chi tiêu. Chi nhiều hơn thu sẽ dẫn tới bội chi, lúc đó phải vay tiền về mà tiêu. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân hoặc tăng đầu tư từ ngân sách nhưng chính sách tài khóa như thế có giới hạn nhất định vì giảm thuế mãi lấy tiền đâu để ngân sách đầu tư ra xã hội. Chi tiêu như thế phải được Quốc hội phê duyệt hàng năm.

“Chính sách tiền tệ” thì liên quan đến lãi suất và nguồn cung tiền. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN có thể tăng nguồn cung tiền và nhờ đó giảm lãi suất. Lãi suất giảm thì kích thích doanh nghiệp đầu tư. Nhưng tiền bơm ra đến một mức nào đó sẽ gây ra lạm phát. Hay nói cách khác khi lạm phát cao thì NHNN phải tăng lãi suất, giảm cung tiền.

Nay 30.000 tỷ đồng bơm ra thị trường cho người dân vay để mua nhà và doanh nghiệp vay để xây nhà xã hội là từ bên nào? Không phải từ bên tài khóa (Bộ Tài chính) vì ngân sách đang thâm hụt, lấy đâu ra tiền mà bơm cho bất động sản. Mà lấy từ ngân sách thì phải báo cáo xin phép Quốc hội phiền phức lắm.

30.000 tỷ đồng này lấy từ NHNN. Vậy câu hỏi là NHNN lấy đâu ra tiền để làm chuyện này? Câu trả lời rất đơn giản: NHNN in tiền.

In tiền như thế nào?

Ở đây lại cần phải nói cho rõ: Hàng năm NHNN phải in một lượng tiền giấy nhất định (in tiền theo nghĩa đen) để thay thế tiền cũ, rách nát và bổ sung vào lượng tiền mặt đang lưu hành trên thị trường theo kế hoạch đã định trước. Còn nói NHNN “in tiền” đối với khoản 30.000 tỷ đồng nói trên là nói theo nghĩa bóng. Không có chuyện máy in chạy rầm rập in ra chừng ấy tiền mà đơn giản là NHNN ghi có một khoản tiền như thế cho các ngân hàng tham gia chương trình. Các ngân hàng lúc này lấy tiền ra để cho vay. Khỏe re!

Nếu mọi việc êm xuôi, 10 năm sau khách hàng trả nợ, ngân hàng thương mại trả lại cho NHNN, tức xóa đi cái khoản ghi nợ ngày xưa. Ai nấy đều vui vẻ.

Nhưng sự đời thường không êm xuôi.

Đầu tiên, hành động của NHNN đó gọi chính thức là “tái cấp vốn”, nghe rất mơ hồ, khó hiểu. Thực chất, đây là cách NHNN cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho ngân hàng, đặc biệt khi ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Chú ý đến từ “ngắn hạn” – tức dưới một năm. Nay NHNN lách chuyện “ngắn hạn” bằng cách quy định: “Thời hạn tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở từng lần là 364 ngày và tự động được gia hạn đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại tại thời điểm đến hạn thêm 01 (một) thời gian bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Việc tự động gia hạn được thực hiện tối đa kéo dài đến ngày 01/6/2023”. Cũng thật là khỏe re một kỹ thuật lách luật!

Thứ hai, luật cũng có nói, để được tái cấp vốn, ngân hàng phải đem một cái gì đó lên thế chấp với NHNN (như cầm cố trái phiếu), ở đây không thấy nói yêu cầu gì từ phía ngân hàng tham gia.

Như đã nói ở trên, tiền bơm vào nền kinh tế như thế sẽ gây áp lực lên lạm phát và nhiều hệ lụy khác. Còn nhớ các lần “bù lãi suất 4%” vào năm 2009 đã vừa gây ra lạm phát, vừa dẫn đến những khoản nợ xấu khổng lồ hiện nay. Giả thử một tỷ lệ nhất định người vay mua nhà không trả được nợ, NHNN sẽ gánh khoản lỗ này.

Quan trọng hơn, cái hình thức “tái cấp vốn” dễ dàng như thế đang được NHNN lạm dụng trong nhiều trường hợp khác như hứa hẹn cấp 10.000 tỷ đồng tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. Rồi sắp tới, giải quyết nợ xấu, NHNN cũng sẽ dùng “chiêu” tái cấp vốn để hóa giải nợ xấu cho các ngân hàng với khoản tiền dự kiến không còn vài chục ngàn mà có thể lên cả trăm ngàn tỷ đồng. Biết bao nhiêu tiền sẽ được “in” ra, biết bao nhiêu rủi ro đang chực chờ phía trước.

Mua bán nợ xấu

Giả thử bạn cho người hàng xóm vay 100 triệu đồng, đến hạn rồi quá hạn một năm người này vẫn không trả được nợ, nợ biến thành nợ xấu. Đòi không được, bạn tính đến chuyện nhờ một công ty dịch vụ chuyên đi đòi nợ thuê đòi nợ, bên này đòi chi phí đến 50 triệu đồng. Nói cách khác bạn sẽ “bán” khoản nợ 100 triệu đồng cho công ty này với giá 50 triệu, vậy còn hơn không đòi được đồng nào.

Như vậy bán một khoản nợ xấu được bao nhiêu là tùy thương lượng giữa bạn và công ty đòi nợ, khả năng đòi khó thì giá còn giảm nữa.

Hôm qua Chính phủ vừa ra nghị định thành lập công ty mua bán nợ kiểu như thế nhưng có những đặc điểm rất lạ. Theo dự thảo trước đó, công ty này mua nợ của các ngân hàng bằng mệnh giá (tức ở đây mua đúng 100 triệu luôn), nhưng không trả bằng tiền mặt mà trả bằng tờ giấy nhận nợ (trái phiếu). Xong rồi ngân hàng đem tờ trái phiếu này lên NHNN, đưa cho NHNN như một dạng cầm cố, NHNN mới đưa cho ngân hàng một cục tiền ghi trong sổ sách (gọi là tái cấp vốn như nói ở trên) nhưng cục tiền này không bằng mệnh giá trái phiếu mà nhỏ hơn (kiểu như 100 triệu nợ, giờ chỉ còn 30 triệu, chẳng hạn).

- Lẽ ra công ty mua bán nợ là nơi định giá khoản nợ chứ không phải NHNN.
- Công ty mua bán nợ không bỏ tiền ra nên thực tế là ngân hàng chủ nợ bán nợ cho NHNN, cái công ty mua bán nợ chỉ là một dạng trung gian.
- NHNN dùng “chiêu thức” tái cấp vốn nên đúng là không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng sẽ phải đảm nhiệm một mớ tài sản xấu, lại phải tung ra thị trường một lượng tiền lớn, gây áp lực lên lạm phát.
- Lạ nhất là phát biểu của đại diện NHNN: “Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của TCTD theo quy định hiện hành”. Nhớ lại ông hàng xóm trên, lẽ ra phải liệt ông vào dạng khó chơi, bắt ổng chịu một phần trách nhiệm nay lại cho ông vay tiếp, lại đẻ ra nợ xấu tiếp.
- Ở trên bạn bán nợ cho công ty dịch vụ, nơi này sẽ tích cực đi đòi nợ, thu tiền về. Đằng này cái công ty mua bán nợ sắp được thành lập làm sao có đủ người, đủ kinh nghiệm và đủ nguồn lực khác để đi đòi nợ. NHNN thì không thể trực tiếp đi đòi nợ rồi.
- Thực chất đây chỉ là cách tạm thời chuyển nợ xấu từ ngân hàng qua cái công ty trung gian kia, sổ sách ngân hàng đẹp lên, hy vọng họ sẽ sẵn lòng cho vay tiếp. Còn cái cục nợ kia, hy vọng từ từ doanh nghiệp làm ăn khá trở lại sẽ trả được nợ.

Các tổ chức như IMF từng cảnh báo các ngân hàng trung ương không nên đảm nhiệm những công việc lẽ ra thuộc bên “tài khóa” vì làm thế sẽ gây áp lực lên lạm phát, đi ngược lại vai trò chủ yếu của một ngân hàng trung ương. Thôi đành quan sát chờ xem NHNN sẽ xoay xở thế nào với lạm phát – gói bù lãi suất 4% ngày xưa nay trở thành nợ xấu – nợ xấu được giải quyết bằng tái cấp vốn – để xem nó lại biến thành cái gì nữa đây.


Nguồn: FB Xê Nho Nvp

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Hồi mã thương

1. Lại nhắc, phép đánh trận người xưa, thường thấy có 2 chiêu khá nổi tiếng là "hồi mã thương" và "đà đao". Thường thì, tướng thường vờ thua chạy, sau đó bất ngờ tập kích trở lại (hồi). Phép "hồi mã thương" là đòn thế nổi tiếng của Dương gia thương pháp. Còn "đà đao" được sử dụng khá hiệu quả bởi Bàng Đức trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Tướng đuổi theo khi bên tướng "vờ" thua chạy, thường phải có sở trường mới có thể nắm phần thắng. Ví như: có tài bắn cung, có ngựa hay để đuổi theo khiến tương chạy không kịp trở tay, hoặc phải tự tin lắm vào khả năng của mình. Nếu không, thường dễ mất đầu như chơi.

2. Gần đây, thấy phong trào phản biện công khai ngày càng nhiều hơn. Những câu hỏi và câu trả lời thường được công khai, khiến người đọc có thể đưa ra những nhận định cho riêng mình.

Thường thấy, một bên là các cơ quan nhà nước (hoặc liên quan tới nhà nước), còn một bên là tập hợp những "trí thức" (người có chuyên môn) độc lập.

Trong nhiều năm trước đây, thường xảy ra bên Nhà nước dựa vào những "thế" và "lực" riêng của mình độc chiếm sân khấu, diễn đàn; và hay ra chiêu "cả vú lấp miệng em". Còn những nhà chuyên môn nằm trong hệ thống, nên thường chỉ đưa ra tiếng nói...nửa vời, hoặc im lặng không dám phản biện. Tóm lại, đó là khoảng thời gian mà "trí thức" nước nhà đang...."ngủ".

Tuy nhiên, khi tình hình bên trí thức có nhiều cải thiện, thì phía liên quan tới nhà nước vẫn không hề có những dấu hiệu thay đổi khi tham gia cuộc chơi. Kết quả là, thậm chí đối phương chưa "giả vờ" thua chạy, thì quân nhà nước vẫn cứ càn rỡ truy kích không một chút đề phòng. Hậu quả là, họ thường chọc phải tổ ong vò vẽ và dính đòn phản kích bất ngờ.

3. Điển hình có thể kể ra các vụ: ông Đặng Hùng Võ trả lời chất vất bà con Hưng Yên, và gần nhất là vụ Hiệp hội Bất động sản yêu cầu TS Alan Phan trả lời chất vất. Những ý kiến trả lời từ phía "trí thức" rõ thấy là có tình và có lý hơn cả (tất nhiên không hoàn toàn).

Trong cuộc đấu này, rõ thấy, phía nhà nước luôn chủ quan và coi thường đối thủ. Cuộc chơi thường bị bỏ ngỏ giữa chừng, cá lặn mất tăm (không rõ HH BĐS có phúc đáp thư của Alan nữa không?).

Thế nên, các cụ thường nói "Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng".

Đứng trên ngôi cao (?) mà coi thường địch, cụ thể ở đây là coi thường dân, coi thường trí thức, thì hẳn sẽ nhận được kết cục không như kỳ vọng.


Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Bản chất của hoạt động sáng tạo là độc lập

1. Vừa đọc xong câu ấy, có người bảo như thế. Mà ngẫm ra cũng chẳng sai. Có chăng chưa trọn vẹn bởi 2 chữ "sáng tạo" vốn bản thân nó mang một nội hàm rộng, khiến khó có thể vo tròn chỉ trong 1 câu nói như thế. Vậy rõ là, muốn sáng tạo thì phải có "tính độc lập".

Con người vốn chỉ là một nguyên tố trong cái xã hội rộng lớn, luôn luôn có sự tương tác. Từ khi sinh đến lúc trưởng thành, không thể nào thiếu những mối giao tiếp xã hội. Có chăng tồn tại được cái "tính độc lập", khi và chỉ khi, chúng ta hiểu rõ được bản thân và giữ được cái tôi trong suốt quá trình tương tác ấy.

2. Nói thì dễ, mà làm thì khó. Cái môi trường tập thể mà con người giao tiếp ngay từ thuở lọt lòng, chính là gia đình. Mà rồi, lớn lên cho đến chết, cũng vẫn nằm trong cái mối quan hệ ấy. Nên đó chính là môi trường tối quan trọng cho sự phát triển của "tính độc lập" trên.

Nhưng môi trường, tại đó mà chúng ta đang sống và hình thành nhân cách là như thế nào?

Các bậc cha mẹ luôn muốn con mình "giống" người khác. Nghĩa rằng, những gì con hàng xóm "có" và "đạt được" thì con mình cũng phải được như thế. Tôi có ông cậu ở Sài Gòn, có hai cô con gái và rất cưng chiều, cũng như kỳ vọng vào chúng. Mỗi lần ra Hà Nội, ông đều dẫn cô út đến nhà người bạn để nghe con bạn chơi piano. Và sau đó, luôn rót vào đầu đứa bé phải chơi đàn được như con bạn.

Đến bây giờ, trẻ con đi học, bố mẹ vẫn hỏi "con có được phiếu bé ngoan không?". Chẳng biết rõ, ai là người nghĩ ra cái "phiếu bé ngoan" độc hại thế không biết.

Chỉ tản mạn những câu chuyện về trẻ con vậy thôi. Chứ môi trường sống hiện tại, phục vụ có tốt cho hoạt động sáng tạo, không cần nói cũng rõ.

Nên thế mới thấy đúng. Không có "tính độc lập" thì đừng bao giờ mơ tới 2 chữ "sáng tạo".


Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Tản mạn chuyện 8-3

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 - Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế. Nói nôm na, là ngày được xác lập ra để công nhận vai trò của phụ nữ trong các nỗ lực hòa bình, và phát triển và kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử và tăng hỗ trợ cho sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ.

Thời còn sinh viên, mình có lần đi siêu thị sắm 2 tấm thiệp rất đẹp cho Cathy và Caroline, và ghi lời chúc mừng lên đó "Bonne journée de la femme" (Chúc mừng ngày quốc tế phụ nữ). Đến giờ ăn trưa, 2 nàng hỏi: "Sao mày lại tặng thiệp cho tao". Tóm lại, có lẽ, đó là điều kỳ cục nhất mà họ từng gặp, bởi ở Pháp hình như chẳng tồn tại cái thứ ngày đó trong đời sống thường ngày.

Aristotle từng viết: "Thoạt kỳ thủy phải có một sự kết hợp nào đó giữa những sự vật mà không thể hiện hữu được nếu thiếu nhau. Giống đực và giống cái phải kết hợp để lưu truyền dòng giống có cùng bản tính như chúng; hành vi này không phải là do ý thức, nhưng do bản năng tự nhiên có sẵn trong các loài động vật cũng như thực vật".

Nghĩa rằng, từ thời nguyên thủy, Chúa Trời khiến cho đàn bà ở nhà chăm con, trông coi ngọn lửa trong hang; và đàn ông đi săn bắn. Hẳn nhiên, sẽ chẳng có ai hỏi "Nếu ngược lại thì sẽ như thế nào". Trong đời sống hiện đại, cố nhiên, chẳng ai cấm đàn bà trèo thang đóng đinh, sửa chữa ô tô hay làm việc nặng; còn đàn ông bếp núc. Cứ chiếu theo cái tự do cá nhân, ai muốn làm gì chẳng được. Nhưng hẳn, đó chẳng phải là hiện tượng mang tính phổ quát. Và cứ thế, đàn bà mềm mỏng, dịu dàng; đàn ông cứng rắn, quyết đoán (đa số là như vậy).

Đời sống vốn thường được phân ra: đời sống cá nhân và đời sống xã hội (đời sống chính trị).

Cái đời sống cá nhân, trong môi trường tự do, thì ai muốn làm gì thì làm. Dù đàn ông muốn rửa bát quét nhà, đàn bà làm việc đồng áng thì cũng mặc. Chẳng ai ngăn cản được. Duy chỉ có đời sống xã hội, nơi các cá nhân có sự xung đột về lợi ích, mới bàn tới chuyện "được" hay "không được". Và theo đó, phụ nữ mới cần phải đấu tranh cho cái "quyền" của mình.

Nói ra đến thế, để thấy cái mà phụ nữ đấu tranh cho chính mình, hay đàn ông ủng hộ cho phụ nữ, đó chính là cái đời sống xã hội kia.

Không phải là những bông hoa, tấm thiệp, những bữa ăn sang trọng trong nhà hàng vào ngày 8-3 (hay 20-10), bởi đó chỉ là những định dạng của đời sống vật chất. Mà chính là việc phụ nữ đấu tranh cho quyền tham gia rộng rãi vào các hoạt động xã hội; hay người đàn ông tham gia nhiều hơn vào việc giúp đỡ phụ nữ, để họ có thời gian làm những việc trên.


Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Vấn đề giáo dục: Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới (*)

Nguyễn Trọng Bình  
 
Cần một phản tĩnh nghiêm túc và sâu sắc
Ở nước ta, lâu nay, nhiều người thường có thói quen ca ngợi, tán tụng, tuyên dương (thậm chí đòi nhân rộng “mô hình”) một vị lãnh đạo, vị Giáo sư, Tiến sĩ hay một ca sĩ, diễn viên “ngôi sao” nào đó... theo kiểu trước đây từng đi lượm “ve chai”, bán “cà – rem”, bán nước mía, chăn trâu... nhưng nhờ có ý chí và nghị lực vươn lên cộng thêm chút may mắn “từ trên trời rơi xuống” cuối cùng trở thành “nhân tài” hay “nhân vật tiêu biểu”, “cá nhân ưu tú” của đất nước. Có thể hình dung vấn đề này qua “công thức” sau:
 
NHÂN TÀI = MÔI TRƯỜNG NGHÈO KHÓ + MAY MẮN + Ý CHÍ VÀ NỖ LỰC VƯƠN LÊN CỦA BẢN THÂN.
Thật ra, làm gì có nhân tài với cái “công thức” mang màu sắc cải lương nếu không muốn nói là hoang tưởng như thế này. Làm gì có chuyện một cậu bé chăn trâu hay bán vé số không được học hành đến nơi đến chốn đùng một cái biến thành “doanh nhân thành đạt”, thành Giáo sư, Tiến sĩ, thành “lãnh đạo ưu tú” gì đó. Mà cứ cho là có đi chăng nữa thì những “nhân tài” kiểu này sớm hay muộn cũng gây ra đại họa cho xã hội, cho đất nước. Cho nên, những cách nghĩ này, theo tôi chẳng qua là thói quen của lối tư duy mà đằng sau nó là cái tâm lý mặc cảm về sự thua sút - “mặc cảm về thân phận” nhỏ nhoi, hèn kém nên buộc phải “tự đánh bóng” tên tuổi, “tự phong nhân tài” để một cách đầy dối trá và xảo biện mà thôi.
Nói cho cùng, nhân tài vốn không phải là chuyện huyền bí nhưng nhân tài cũng không phải và không thể tồn tại một cách... lơ lửng ở đâu đó. Nhân tài bao giờ và luôn luôn cũng tồn tại trong một “môi trường” cụ thể. Trước hết, đó là “môi trường giáo dục” – cơ sở đầu tiên và quan trọng  giúp phát hiện ra nhân tài; để nhân tài có cơ hội được nảy nở. Tiếp theo, muốn nhân tài ngày một tỏa sáng thì “môi trường xã hội” – nơi con người sống và làm việc có được đảm bảo một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất hay không?

Vì thế, một đất nước, một xã hội muốn có nhân tài thật sự thì nhất định phải được xây dựng trên cơ sở: MÔI TRƯỜNG TỐI ƯU + NIỀM ĐAM MÊ + Ý CHÍ, NỖ LỰC CỦA BẢN THÂN VÀ TOÀN XÃ HỘI.
Một vấn đề nữa, dân tộc ta tuy có bề dày lịch sử 4000 nghìn năm văn hóa và tuy không ai phủ nhận lịch sử dân tộc từng sản sinh ra những cá nhân kiệt xuất được vinh dự trở thành danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng ở một phương diện khác, dân tộc Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu vẫn là dân tộc đi “nhập văn hóa” từ những dân tộc khác chứ chưa bao giờ làm được điều ngược lại. Một cách cụ thể, lịch sử chúng ta chưa từng có cá nhân nào có thể đứng ra “lập thuyết” để mang đi xuất khẩu cho các dân tộc khác trên thế giới mà chủ yếu chỉ đi “mượn thuyết” và “dụng thuyết” thôi (ở đây tôi chưa bàn đến việc “dụng thuyết” như thế nào, có hiệu quả hay không hiệu quả?). Nho giáo là của người Trung Hoa, Phật giáo của ngưới Ấn Độ; chủ nghĩa Mác - Ăngghen - Lênin mà từ lâu chúng ta xem là “kim chỉ nam” thì mọi người đã biết là của ai rồi...
Nói điều này để thấy rằng, chúng ta rất cần phải phản tỉnh một cách nghiêm túc về lịch sử 4000 năm văn hóa của cha ông để hiểu rõ hơn vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta có quyền chính đáng để tự hào về những thành tựu của cha ông để lại trong 4000 ngàn năm qua nhưng không nên tự mãn một cách thái quá để rồi vô tình đánh mất đi lòng tự trọng của giống nòi.
Có cảm giác sau khi giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc ở thế kỷ 20 chúng ta đã “ngủ quên trên chiến thắng”, thậm chí là ngủ một giấc rất dài? Để khi dụi mắt thức dậy ngó xung quanh mới hay mình đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội vì trong lúc say sưa chìm đắm trong giấc mộng vàng son của quá khứ thì thiên hạ đã vượt mặt và bỏ xa chúng ta từ rất lâu rồi.
Một dân tộc, một đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa rất lâu đời, vậy mà khi “mở cửa” trao đổi, hợp tác làm ăn với bên ngoài, những lúc cần nhập thì nhập “ông chủ”, nhập “chuyên gia” còn khi xuất thì chủ yếu là xuất... “ôsin” (thậm chí giờ đây việc “xuất ôsin” này đang có nguy cơ bị người Hàn Quốc từ chối nữa). Tại sao như vậy? Đã có ai nhìn thấy “chuyện rất lớn” này của một dân tộc 4000 năm văn hiến chưa? Có thấy đau đớn và chua xót không?
Từ góc nhìn văn hóa – giáo dục, chúng ta giải thích như thế nào về chuyện này đây? Chúng ta không có nhân tài thực sự; Hay lẽ ra chúng ta có thể đã có nhiều nhân tài nhưng do “môi trường” – điều kiện tối ưu (cả về vật chất lẫn tinh thần) không được đảm bảo? Nói cho công bằng, có lẽ cách giải thứ hai có vẻ hợp lý và dễ chấp nhận hơn.
Vì thế, nhất định chỗ này chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại mình chứ không thể ngày này qua tháng nọ ôm khư khư những ánh hào quang của cái thời xa lắc xa lơ và nhất là xem đó như một cứu cánh của dân tộc. Và thay vì cứ ôm khư khư những những ánh hào quang xưa cũ ấy mà tự hài lòng, thoả mãn một mình sao không làm mới nó; tức là lẽ ra phải “hiện đại hóa truyền thống” bằng một cái đầu “khai phóng” để bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về mình?
Cho nên, trong khi người ta đã lên tới mặt trăng, lên tới sao hỏa tìm sự sống còn mình vẫn đang loay hoay tìm miếng ăn dưới mặt đất, loay hoay thoát nghèo. Thiết nghĩ, dù muốn dù không chúng ta cũng phải biết xấu hổ về sự thua kém này. Xấu hỗ ở đây hoàn toàn không phải là sự tự ti hay mặc cảm mà là sự tự trọng; tự nhận thức, tự ý thức về giá trị, về vị thế của mình. Phải chăng đó mới thật sự văn hóa mà cha ông đã gầy dựng và để lại cho con cháu trong suốt 4000 năm; là văn hóa của một dân tộc “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”?; là “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” – như cách nói  sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 5 điều căn dặn các học sinh?

Thay đổi hay là sống... dật dờ?
Tóm lại, từ những vấn đề trên, tôi cho rằng những ai đang tự ru ngủ mình bằng cái “công thức” đào tạo nhân tài đầy hoang tưởng cũng như suốt ngày mê đắm và thoả mãn trong những ánh hào quang xưa cũ hãy mau chóng tỉnh dậy; phải tự phản tĩnh để mở ra bước ngoặc thay đổi cho giáo dục, từ đó thay đổi vận mệnh dân tộc. 
Cá nhân người viết cho rằng, tương lai dân tộc Việt Nam có thể “nở mày nở mặt” với các dân tộc tiến bộ khác trên thế giới hay không điều này hoàn toàn phụ thuộc vào công cuộc “đổi mới và cải cách toàn diện nền giáo dục” mà sắp tới đây mà Đảng và Nhà nước xem như một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Đây cũng chính là điều mà nhân dân cả nước đang rất trông chờ và kỳ vọng?
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn đưa ra quyết định để lựa chọn; hoặc là chúng ta có một nền giáo dục hiện đại, tiến bộ - một nền giáo dục “khai phóng” nhằm “trả cái đầu lại cho cái đầu” (lời của GS Cao Huy Thuần), phát huy nội lực 4000 năm văn hóa của cha ông tích tụ trong bản thân mỗi người dân Việt Nam; hoặc là, cứ để cho tương lai và vận mệnh dân tộc chìm nổi dật dờ theo kiểu “nước trôi đến đâu lục bình trôi đến đó”?
----------------------
Chú thích:
(*): Thơ Nguyễn Duy - “Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới/ Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?”( Nhìn từ xa Tổ quốc).

Nguồn: vanhoanghean

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Có bữa ăn nào miễn phí?

Dư luận đang um xùm vị kênh truyền hình K+ đang trên con đường giành được độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh. Dư luận trong nước nói chung có vẻ không có thiện cảm với việc này.

Ở đây, có 2 vân đề có lẽ cần làm rõ: Việc đàm phán để giành được độc quyền, và cái giá phải trả cho việc đó.

Chúng ta vừa mới thoát được cái bóng bao cấp. Xem ra, dân ta một mặt sợ và muốn thoát khỏi nó. Nhưng ẩn chứa sau tất cả, có vẻ như chúng ta lại luôn muốn có những "bữa ăn miễn phí" trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường.

Có ai nghĩ, trước đây, làm sao chúng ta được xem giải Ngoại hạng Anh miễn phí như thế hay không, bản quyền ở đâu mà ra. Nếu không phải là "ăn trộm", thì cũng là các đài trong nước sử dụng nguồn tiền nhà nước mua. Nguồn kinh phí đó thực ra là bổ đầu cho tất cả 80 triệu người. Như thế, có một bất công là những người không muốn xem bóng đá cũng phải trả tiền. 

Theo quan điểm này, chính việc người nào có nhu cầu phải trả tiền. Theo đó, việc giá và dịch vụ của sản phẩm sẽ khiến cho người dùng có quyết định trả tiền hay không? Đơn vị cung cấp đưa ra sản phẩm với chi phí quá cao và chất lượng không tốt, thì hẳn sẽ chẳng có ai mua.

Vấn đề thứ hai, khi các nhà đài không ngồi chung bàn với nhau được, khiến bị ép giá thì đó là cái giá phải trả cho chính sự mất đoàn kết bên trong. Điều đó cho thấy, tính hợp tác của chúng ta quá yếu kém, dẫn tới thất thoát nguồn lực xã hội.

Còn trong hoàn cảnh hiện nay, VTV cũng như một số đài "quốc doanh" làm ầm ĩ lên, có vẻ như họ đang muốn sử dụng cái lợi thế "chống lưng" để phá hoại đi sự cạnh tranh vốn có của nền kinh tế thị trường.

Đã chấp nhận tham gia cuộc chơi, cần tôn trọng những nguyên tắc vốn có của nó. Chúng ta luôn dựa dẫm vào những cảm xúc khi phán xét. Đó là điều hoàn toàn không tốt.


Cuộc đối thoại giữa Xiển Giáo và Triệt Giáo

Hồi 77, Phong Thần Diễn Nghĩa, có cuộc đối thoại giữa Thông Thiên Giáo chủ và Nguyên Thỉ (giáo chủ của Xiển Giáo), đặt ra vấn đề của Đạo:
 
Thông Thiên giáo chủ thấy Nguyên Thỉ liền bái và nói:
- Tôi chào đạo huynh.
 
Nguyên Thỉ nói:
- Sư đệ lập làm chi trận dữ như vậy? Khi trước chúng ta đồng họp mặt trên Bích Du cung, nghị lập bảng Phong thần, chia ra ba bậc, ai có đức thì làm tiên, ai ít đức công quả thì làm thần, nếu ai quá nữa thì làm quỷ. Nay Trụ Vương vô đạo, khí số hết rồi, Châu Võ hành nhơn, số trời đã định, lẽ nào sư đệ không biết hay sao mà lập trận lớn đón đường Tử Nha? Trước khi luận bảng Phong thần, sư đệ đã thỏa thuận với số 365 người lên đài Phong thần trong đó Triệt giáo có tên những người không được thành chánh quả cũng nhiều sao nay sư đệ lại quên lời, thất tín? 
.......

Thông Thiên giáo chủ nói:
- Quảng Thành Tử đã mắng ta không biết phải quấy, chẳng luận hiền ngu, dạy học trò có lông, có sừng ở chung với cầm thú. Ta nghĩ lại, thầy ta truyền đạo cho ba anh em ta, sau chia làm hai, kẻ dạy Xiển giáo tu hành, người dạy Triệt giáo an bang tế thế. Tuy chia làm hai cách dạy, cũng một gốc mà ra. Nếu nó nói ta ăn chung ở lộn với cầm thú thì sư huynh lại khác hơn sao? 
 
Nguyên Thỉ nói:
- Sư đệ đừng trách Quảng Thành Tử, chính tại học trò sư đệ ngang dọc, ỷ mạnh hiếp người, thiệt là lòng cầm thú, sư đệ đụng đâu dạy đó, chọn kẻ không biết điều, nên kiếm chuyện thị phi thêu dệt hại muôn dân đồ thán.
 
Thông Thiên giáo chủ vừa cười vừa đáp:
- Sư huynh nói sai rồi. Ðạo là một đường sáng cần phải mở rộng cho chúng sanh vào khoảng ánh sáng ấy. Ðạo dạy người, sửa đời, thì bất kỳ những ai muốn đắc đạo đều có quyền hành đạo, tại sao lại hạn chế, chỉ lựa những người có đức hạnh? Ðạo giúp người hay người giúp đạo? Nếu chỉ lựa những người đạo đức mới cho hành đạo thì té ra sai lạc ý nghĩa của đạo rồi. Ðạo đâu phải là một triều đình mà bảo phải lựa người tài đức để cai trị, mà đạo chính là chỗ đào tạo người bất tài, thiếu đức trở thành người tài đức kia mà. Ðạo huynh nên xét lại điểm ấy. Còn học trò đạo huynh khinh học trò tôi là loài có lông, có sừng, tôi thiết tưởng mọi sinh vật trong vũ trụ đều bình đẳng trước đạo đức, trong lãnh vực đạo đức không thể phân chia trên dưới, dầu là loài có lông, có sừng cũng được quyền làm việc đạo, thì lời khinh miệt ấy rất trái lẽ. Ðến như đạo huynh, trước mặt tôi mà đạo huynh còn mắng học trò tôi là cầm thú thì bảo sao ý thức ấy không ăn sâu vào tư tưởng của môn đồ Xiển giáo? 
 
Nguyên Thỉ nói:
- Sư đệ quá nghe lời học trò mình mà nóng nảy tai hại đến công việc tu hành. Tôi thiết tưởng một kẻ chân tu không bao giờ thiên lệch, đã thiên lệch tất nhiên trái với con đường hành đạo. Lẽ học trò mình chưa thuần thục về đạo đức, sư đệ phải đem luật lệ ra dạy dỗ, làm cho chúng nó đi trên con đường ngay, sao lại vì lời thêu dệt của chúng mà lập trận dữ, trái mệnh trời? 
 
Thông Thiên giáo chủ nói:
- Hành đạo là nhiệm vụ thiêng liêng và trường cửu của người dẫn đạo, không phải một thời gian mà hoàn tất. Nó như một con đò đưa khách sang sông, thì biết bao giờ dứt được. Lúc bắt đầu tức là lúc đã đến, mà lúc đã đến là bắt đầu. Ðạo huynh bắt đầu trách tôi thiên lệch, nhưng nếu tôi cứ nhắm mắt làm ngơ, để cho môn đồ tôi bị áp chế mãi mãi, môn đồ tôi sẽ có quan niệm rằng tu hành là ép mình vào một khuôn khổ để cho mọi
 người hà hiếp, như vậy có bảo tồn được đạo giáo không? 
 
 Ai đúng, ai sai?