Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Gửi em Phương - Người đẹp nói dối

Chào Phương,

Anh thực chưa từng biết đến em, vì anh không trong giới showbiz. Thêm nữa, anh chưa bao giờ quan tâm đến các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp. Phần vì, anh luôn nghĩ hiếm người vừa có sắc đẹp, vừa có trí tuệ. Và trong nhiều năm trở lại đây, hình như giải thưởng đều đó có ngã giá trước rồi. Như người ta vẫn nói: "Cuộc chiến kết thúc trước khi bắt đầu". Nhưng sáng nay, có đọc được tâm sự của em trên báo (Vương Thu Phương lột trần kẻ phá nát giấc mơ Hoa hậu), vì thế, cũng muốn có đôi dòng tâm sự.

Thứ nhất, về chuyện lập gia đình của em. Em có một chút nhầm lẫn, cưới mà chưa đăng ký kết hôn. Về lý, khi em chưa làm đăng ký, thì đúng là chưa thể kết luận em có chồng. Cái khác giữa em với những người phụ nữ ngoài kia, chính là cái đám cưới mà thôi. Nên anh nghĩ, dù em muốn hay không, em cũng không thể nào chống chọi lại miệng lưỡi dư luận. Trong lịch sử, chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu "hình tượng" tòm tem với vợ bạn chồng người, nhưng miệng vẫn ra rả đạo đức đấy thôi. Vì sao? Vì họ có quyền lực, còn em thì không có.

Thứ hai, em cũng không nên trách người "chồng" của mình làm chi. Đó là cái duyên, cái nợ. Thà hôm nay em nhìn ra, còn hơn ảnh hưởng tới hạnh phúc suốt phần đời còn lại. Và em cũng đừng trách tại sao không nói trong cuộc thi trước, mà tới giờ mới nói. Vì khi đó, em vẫn chưa là ứng cử viên nặng ký. Nên họ chưa cần "ném bùn" vào lưng em, và cái giá lúc đó chưa mua được lòng người (có thể hoặc không).

Cuối cùng, chuyện người ta gán cho em cái danh hiệu "Người đẹp nói dối", thì thực anh thấy không thỏa đáng lắm. Anh đoan chắc, đéo thằng nào dám bảo trong đời nó chưa từng nói dối. Mà chúng nó nói dối để có chức quyền, để có đặc quyền đặc lợi. Từ đó, ảnh hưởng tới bao nhiêu thân phận khác. Chứ như em thì nhằm nhò gì!

Ừ thì cứ cho, cái lũ phong cho em danh hiệu đó, không nói dối đi. Nhưng thực, nó chỉ "bắt nạt" được em thôi. Chứ có bao thằng nói dối ở trên cao hơn, chúng đéo dám đụng đến cái lông chân. Bọn nó không hiểu được, sau khi "phạt" em xong, chúng nó đã đưa ra một tấm gương xấu, khi chỉ dám thực thi công bằng - công lý với những kẻ thấp cổ bé họng.

Anh có đôi lời với em như vậy, thực cũng để động viên em trên góc độ giữa 2 con người. Sau thất bại, con người ta có thể tìm thấy một điều gì đó có ý nghĩa cho mình.

Chào em,


"Vinh quang được xây dựng trên sự dối trá sẽ sớm trở thành gánh nặng khó chịu nhất. Thật dễ dàng khiến cho mọi người tin vào lời nói dối, và cũng thật vất vả khi làm lại việc đó một lần nữa" - Mark Twain

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Cú mèo và chim gáy

1. Một hôm, cú mèo gặp chim gáy. Chim gáy hỏi:
- Bác đi dâu đấy?
- Tôi sắp sang bên phương đông
- Tại sao lại đi thế? - Chim gáy hỏi tiếp.
- Ở đây, tôi kêu người ta ghét, cho nên tôi phải đi chỗ khác.
Chim gáy cười bảo:
- Bác có thể nào đổi tiếng kêu mới được. Chớ không đổi tiếng kêu, thì sang phương đông, người ta nghe tiếng, cũng lại ghét bác thôi, vì nhân tình đâu mà chẳng thế. Cứ như ý tôi, thì không gì bác phải rụt cổ, thu cánh suốt đời không kêu nữa là hơn.

2. Thực là, cực chẳng đã mới phải đọc báo Nhân Dân, vì có người dẫn link một bài viết có cái tiêu đề kinh quá: "Xã hội dân sự" - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình.

Cùng với khái niệm XHDS, còn có một số cụm từ, khái niệm khác có liên quan, như: "xã hội công dân" (citizens society - CS), "tổ chức XHDS" (Civil Society Organization - CSO), "tổ chức phi chính phủ" (Non governmental organization - NGO)... Ðây là những khái niệm ra đời từ các chủ thể khác nhau nhưng lại có liên quan chặt chẽ, trong đó nổi bật là quan niệm không có NGO (tổ chức quần chúng, hội, đoàn thể...) thì không thể hình thành XHDS.  Trong một xã hội, nếu có nhiều tổ chức NGO hoạt động mạnh thì sẽ có XHDS phát triển và ngược lại. 

Thực ra, NGO chính là các tổ chức làm cầu nối giữa nhân dân với chính quyền. Chính vì thế, chúng ta mới có nhiều tổ chức đoàn thể đến như vậy: Hội nông dân, Hội Cựu chiến Binh, Thanh niên Đoàn,....  Các tổ chức đoàn thể chính là người bảo vệ quyền lợi và đưa ra tiếng nói của những "nhóm công dân". Ở ta, các tổ chức đoàn thể là rất nhiều, tới tận thôn xóm, khu dân cư, và hoạt động rất...hiệu quả. Và có lẽ bởi vậy, Phó CTN Nguyễn Thị Doan mới có thể khẳng định, dân chủ của chúng ta gấp vạn lần dân chủ tư sản.

Nên, "nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc tài, nếu XHDS mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ", chỉ đúng vế đầu thôi. Tác giả không cần phải lo lắng quá!

Chứ không, chẳng lẽ việc nâng cao các vai trò đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS HCM....) lại chính là hành động "tự bắn vào chân mình" ư?



Chuyện ông Giám đốc Sở

1. Bữa nay, đọc chuyện kể về việc phá dỡ ở chùa Trăm Gian, có nghe ông Long- Giám đốc Sở văn hóa Hà Nội phát biểu: "Qua khảo sát cụ thể, thiệt hại đã rõ, tuy không trầm trọng nhưng gây hậu quả xấu trong xã hội, tổn hại đến di tích".

Bỗng nhiên, mình lại nhớ tới câu chuyện hài như sau:

Một cửa hàng nọ bị trộm viếng thăm. Ngày hôm sau, chủ tiệm nói với nhân viên điều tra rằng: "Cám ơn Thượng đế, may mà bọn trộm không tới tối hôm kia, mà là tối hôm qua".

"Như thế có khác gì nhau?" - Nhân viên điều tra hỏi.

"Sáng hôm qua, tôi hạ giá tất cả các sản phẩm xuống còn 40%, nếu ngày hôm kia chúng tới, thì tổn thất lớn quá rồi".

2. Ông Long nói về cái "thiệt hại không trầm trọng", nhưng gây "hậu quả xấu trong xã hội" là ý làm sao? Vậy "thiệt hại" mà ông đề cập đến ở đây là không có tính tới "hậu quả xấu". Mà nếu đúng như ý ông Long thật, thì mình không hiểu cái "quan trí" của mấy bác quản lý ở Thủ đô này cho lắm.

Hoặc giả, đỉnh cao trí tuệ của chúng ta đánh giá "thiệt hại" đứng trên góc độ giá (bán) (đã giảm 40%, he he). Còn giá trị ngôi chùa bị tàn phá giảm, gây "hậu quả xấu" trong xã hội.

3. Thêm nữa, "Đánh giá về thiệt hại do việc tu bổ gây ra, Sở Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc tháo dỡ và xây dựng lại nhà Tổ, gác Khánh tuy xuất phát từ động cơ đúng nhưng sai quy trình, sai Luật và làm tổn hại đến di sản".

Nếu đúng như các vị Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội nói, thì phải giảm án cho ông Bình Vinashin nhỉ?! Vì động cơ của ông Bình rất đúng:

Theo bị cáo Bình, việc mua con tàu cũ này đã được tính toán kỹ lưỡng. “Con tàu rất phù hợp với việc khai thác tại Việt Nam”.....“Theo tính toán của chúng tôi, con tàu như thế hoạt động liên tục trong vòng 10-12 năm mới có thể thu hồi vốn, có lãi”. (Cựu chủ tịch Vinashin bức xúc vì phải 'đền' 500 tỷ)

He he. Nói thật, mình chịu cái quan trí ở xứ ta rồi!!!!!

Chùa Trăm Gian - Mùa thu thay áo mới

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Đôi điều về sự "Dối trá"

Bữa có xem phim, thấy câu của Mark Twain rằng: Sự dối trá đi được nửa vòng trái đất trong khi sự thật còn đang xỏ giày (A lie can travel halfway round the world while the truth is putting on its shoes). Vậy rằng, liệu có thật như thế hay không?

Xét đến cùng, sự dối trá hay sự thật thì cũng đến với chúng ta như những thông tin khách quan. Vậy lý do vì đâu, mà sự dối trá có thể lan xa đến như vậy! Nếu đó không phải là sự dối trá có hệ thống, bị bưng bít?!

Bởi nếu thông tin đến từ nhiều chiều, và độc lập thì hẳn con người chẳng bị đánh lừa "lâu" đến như vậy! Vì rõ ràng, nửa vòng trái đất không phải là một quãng đường ngắn!

Mark Twain phát biểu rằng: "Vinh quang được xây dựng trên sự dối trá sẽ sớm trở thành gánh nặng khó chịu nhất. Thật dễ dàng khiến cho mọi người tin vào lời nói dối, và cũng thật vất vả khi làm lại việc đó một lần nữa" (The glory which is built upon a lie soon becomes a most unpleasant incumbrance. How easy it is to make people believe a lie, and how hard it is to undo that work again! - Mark Twain in Eruption).

Nhưng rõ ràng, sự xuất phát tự thân là điều rất khó có thể kỳ vọng, khi con người còn chưa đạt tới ý thức tự giác cao, chịu một cơ chế kiểm soát chặt chẽ, và còn đứng trước quá nhiều cám dỗ!


 Tôi khác với Washington; Tôi có nguyên tắc lớn hơn và cao hơn. Washington không thể nói dối. Tôi thì có thể nói dối, nhưng tôi sẽ không làm vậy
-
I am different from Washington; I have a higher, grander standard of principle. Washington could not lie. I can lie, but I won't

Hãy để chúng chết đi…

Chúng ta có thể thường thỏa mãn mọi đòi hỏi về công lý khi ngồi im và không làm gì cả. Adam Smith (We may often fulfill all the rules of justice by sitting still and doing nothing).
Năm 1976, New York ngập chìm trong công nợ vì chánh phủ thành phố liên tục tiêu xài cho những chương trình gọi là “xã hội” và cho “phe nhóm”. Ngân sách gia tăng cùng hệ thống quan chức và sưu cao thuế nặng khiến các doanh gia bỏ chạy khỏi New York. Đối diện với thảm họa phá sản, thành phố kêu gọi chánh phủ liên bang cứu trợ khẩn cấp. Tổng thống Ford trả lời với một câu nói đi vào lịch sử, “Drop Dead” (Hãy chết đi). Hơn 90% dân Mỹ hoan nghênh quyết định sáng suốt này.

Các giải pháp cho kinh tế Việt
Chưa bao giờ tôi thấy các chuyên gia Việt Nam hăng hái và bận rộn như lúc này. Ngày nào cũng có vài ba giải pháp trên các báo cho đủ mọi vấn đề kinh tế. Và chưa bao giờ các thành phần kinh tế lại khóc than ỉ ôi như thế này. Ai cũng xin chánh phủ cứu giúp với OPM (tiền người khác) và tốt nhất là “cho luôn” thì khỏi phải hạch toán lôi thôi.

Về nợ xấu ngân hàng, nhà nước đề nghị một công ty mua bán nợ xấu 100 ngàn tỷ, nhưng vài ông viện nghiên cứu nói 30 tỷ là đủ rồi. Một chuyên gia có giấy phép thì cho rằng 200 ngàn tỷ là tối thiểu ; trong khi vài ông không có giấy phép thì đòi 600 ngàn tỷ. Suy ngẫm lại, không ai biết nợ xấu nó tròn méo thế nào, số tiền thực sự là bao nhiêu, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ bao nhiêu, các thanh tra có kiểm soát được con số này từ những ngân hàng quốc doanh, bao nhiêu phần trăm nợ xấu là cho các công ty con hay cháu của các chủ ngân hàng vay mượn ? Còn chuyện mua nợ xấu để bán cho ai, với giá nào, thu tiền ra sao, ai được ưu tiên…thì cũng có vài chục giải pháp đề nghị.
Qua đến việc giải cứu các doanh nghiệp, nhất là trong lãnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, các chuyên gia còn năng động hơn vì chuyện nhà cửa thì ngay cả các bác xe ôm cũng là “sư tổ”. Dễ hiểu nhất là lấy tiền chánh phủ (OPM) mua nhà tặng cho người nghèo (phải có phong bì và xe Lexus); rồi gay cấn hơn là hạ lãi suất xuống còn 5% hay 8% hay 10%? Gói kích cầu 29 ngàn tỷ coi như “cuốn theo chiều gió” vì xứ này người có thu nhập thật sự chẳng ai đóng thuế cả. Còn chuyện giãn hay khoanh nợ theo nghị quyết thì các ngân hàng đã âm thầm làm cả chục năm nay, không ai thắc mắc. Rồi chuyện mua “hàng tồn kho”? Người tình tôi đang đòi một bộ áo lót “Victoria’s Secret” cho mùa hè. Liệu chánh phủ có mua đủ hàng? Tình trạng hiện tại đã chứng minh cho các giải pháp này..
Các bác lãnh đạo kinh tế còn dọa tung ra giải pháp là gia tăng tiêu xài và đầu tư công. Ngân sách của chánh phủ Việt Nam (34% của GDP) đã cao hơn hẳn Thái Lan (18%) và Singapore (19%) tạo một gánh nặng khủng cho các doanh nghiệp tư nhân. Công thêm với đầu tư, chi tiêu và lỗ lã của những doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế bắt buộc phải èo uột vì thân hình chỉ nặng có 34 kg mà lại phải vác một ba lô nặng 66 kg. Chả trách ngày nào dân cũng đi uống bia để phục hồi sinh lực, mai còn vác tiếp. Một xã có 2 ngàn hộ dân mà phải nuôi 500 quan chức; bây giờ nuôi thêm 100 ông thì chắc cạp đất mà ăn? Xây thêm vài chục ngàn cây số đường cao tốc thì GDP sẽ tăng trưởng ngay, nhưng chất lượng chỉ tốt cho các cỗ xe bò thì coi như vất tiền cho các ngân hàng ngoại quốc.

Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng
Tuần vừa rồi, tôi ghé nhà một người bạn ăn tối. Vợ chồng hắn có 2 đứa song sinh 2 tuổi và 1 đứa 4 tuổi. Khi vừa nhập tiệc thì 3 đứa tranh nhau đồ chơi và đồ ăn, cãi nhau ỏm tỏi và la khóc lớn hơn cả các diễn viên trong một phim tình bi đát của Việt Nam. Hai vợ chồng thử mọi giải pháp, từ các gói cứu trợ đến các dọa dẫm trừng phạt. Sau 20 phút, bọn hắn thua cuộc và không ai ăn uống gì được. Tôi đề nghị một giải pháp đơn giản: 5 người lớn sẽ ra tiệm ăn và để lại căn nhà cho 3 đứa bé và 2 bà ô sin. 15 phút sau, từ quán ăn, ông chồng gọi điện thoại về, bà ô sin xác nhận là lũ trẻ đã vui vẻ chơi đùa và ăn uống trong hòa thuận.
Thực ra, các thành phần kinh tế của mọi quốc gia cũng giống như lũ trẻ. Họ thích tạo những quấy phá ôn ào để nhận những ban phát “miễn phí” từ các nguồn lực tài chánh hay hành chánh. Khi họ biết chắc chắn rằng những ân huệ này sẽ không đến, họ sẽ phải chịu đựng và tìm giải pháp khác, sáng tạo từ trí óc, con tim và ý chí.
Trở lại câu chuyện New York, mọi thành phần có lợi ích nơi đây cũng kêu la và nguyền rủa chánh phủ liên bang vài tháng sau quyết định của Ford. Nhưng họ đã làm những gì phải làm: cân bằng ngân sách, cởi bỏ thủ tục rườm rà, năng động trong việc khuyến khích các doanh nhân, kêu gọi đầu tư… Năm năm sau, tình thế ổn định. Với một tư duy quản trị sáng tạo mới mẻ, chánh phủ và người dân đã đạt những thành tích ấn tượng đem New York về lại vị trí hàng đầu của Mỹ.

Giải pháp của Alan
Cho nên, nếu các bác hỏi tôi về nợ xấu, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Ngân hàng nhà nước chỉ cần bảo đảm khoảng 100 triệu đồng tối đa cho mỗi người gởi tiền, và chúng ta có thể chấp nhận sự sụp đổ của vài chục ngân hàng không hề hấn gì.
Hỏi về các doanh nghiệp bất động sản, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Các căn hộ và các lô đất sẽ bị hạ giá rẻ mạt, tạo một cơ hội tuyệt vời cho nhũng người dân có thu nhập trung bình.
Hỏi về các doanh nghiệp nhà nước, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Dòng tiền OPM đã cạn kiệt. Các anh chị nào có lãi thì cứ tiếp tục. Còn lỗ lã thì tôi bán ngay cho các nhà đầu tư, nội hay ngoại. Trên hết, mọi đặc lợi đặc quyền sẽ chấm dứt. Chỉ khi đối diện thực sự với cạnh tranh thị trường, chúng ta mới biết ban quản trị nào có trí tuệ và đởm lực để sinh tồn.
Hòi về các đơn vị hành chánh cần thêm tiền để đốt, tôi sẽ nói ““Hãy Để Chúng Chết Đi”. Thay vì ăn nhậu sáng trưa chiều tối bằng OPM, chúng tôi sẽ dậy các bạn một kỹ năng quan trọng mà các bạn không hề biết. Đó là làm việc và phục vụ.

Sự hủy diệt trong sáng tạo
Nhiều thân hữu sẽ hỏi tôi là ông không lo ngại gì về những xáo trộn xã hội và nạn thất nghiệp khi các công ty thi nhau lăn ra chết? Tôi xin thưa rằng KHÔNG. Bởi vì 2 lý do. Thứ nhất là số tài sản nhàn rỗi trong dân được ước tính là khoảng 50 tỷ đô la bởi các nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Số vàng và đô la này đang bị rút giấu vì dân không tin tưởng vào tương lai kinh tế OPM với lối điều hành dựa trên “quan hệ và xin cho”. Khi họ nhận ra là chánh phủ không can thiệp vô ích vào cách kiếm tiền của một thị trường tự do, dòng tiền này sẽ chảy vào nền kinh tế tạo một cú hích ngoạn mục. Các Việt kiều và các nhà đầu tư nước ngoài cũng sè có khả năng bơm thêm 20 tỷ đô la, dư đủ để kích thích nền kinh tế xứ này.
Lý do thứ hai là tôi tin vào tài năng và sự bền bỉ của doanh nhân Việt. Chỉ trong vòng 5 năm khi đến Mỹ, phần lớn những người dân thất học và không vốn đã gây dựng cho mình và con cái những tài sản đáng kể. Hiện nay, 3 triệu Việt Kiều tại Mỹ tạo ra một GDP ngang hàng với 90 triệu dân Việt Nam trong nước, dù họ không có dầu khí, khoáng sản hay đất đai để bán. Một triệu Việt Kiều khác ở Âu Châu, Úc và toàn thế giới củng đã có những thành công tương tự.
Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị lên các bác lãnh đạo kinh tế là “đừng làm gì cả”.  Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tư nhân tự ứng xử. Trong sáng tạo và hồi sinh sẽ có mồ hôi và nước mắt. Trong quá trình trưởng thành, các em thường phải chịu nhiều gian truân đau đớn. Vài em sẽ không qua khỏi. Nhưng đây là định luật của thiên nhiên.

Cùng nhau đi nghỉ hè
Nắng mùa hè vẫn đang rực rỡ, cùng trò chơi Olympic đang tưng bừng bên Luân Đôn. Tại sao các bác không nhân cơ hội này mà đem vợ con du ngoạn nhỉ? Bác nào không thích thể thao thì qua Hawaii tắm ở Black Sand Beach (cát đen tuyền và mịn). Bác nào ghét Mỹ thì có thành phố San Á hay Macau của Trung Quốc. Các bác sẽ vui vẻ thỏai mái và khi về lại quê hương sau kỳ nghỉ, các bác sẽ thấy bọn trẻ không còn mè nheo la ó nữa. Đời chẳng đẹp lắm sao?

Nguồn: Blog Alan Phan

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Chim cốc và đại gia

1. Ở Trung Quốc, trên sông Li, ngư dân có cách bắt các khá kỳ lạ và thông minh. Họ buộc dây vào cổ con chim Cốc, rồi thả chim xuống sông bắt cá. Chim Cốc bắt được cá nhưng không thể nhuốt được với cái dây buộc ở cổ như vậy. Khi chim lên khỏi mặt nước, ngư dân chỉ việc moi cá ra khỏi miệng. Từ nhiều đời nay đã và vẫn vậy!

Về mặt tự nhiên, kẻ thù của cá chính là chim cốc. Cá không đủ khả năng để hiểu kẻ thù chính phía sau mình chính là ngư dân. Và chim Cốc trở thành công cụ độc đáo!

2. Đại gia là từ để chỉ những người giàu có nhiều tiền của. Nhưng mỗi người mỗi cảnh, chẳng ai giống nhau. Người đi lên bằng cách sản xuất, buôn bán, hay cung cấp dịch vụ. Cũng có người giàu bằng cách đặc biệt - buôn nước bọt. Nhưng điểm chung là họ có....nhiều tiền.Cũng có người giàu, để lại tiền của cho cháu con mấy đời ăn không hết. Nhưng cũng có lắm kẻ, hôm trước hoành tráng, nhưng mấy hôm sau thành quả tan thành khói mây.

Và có rất nhiều người có hoàn cảnh khá giống con chim Cốc ở trên. Tài sản họ có được không chắc đã thực là của họ, cũng chỉ cầm hộ người khác - như con cá nằm ở miệng con chim mà thôi. Có những kẻ với thế lực mạnh đằng sau, luôn chờ đợi để giật cá ra khỏi miệng họ.

Nhưng họ vẫn là kẻ phải chường mặt ra ngoài, vẫn phải chịu điều ong tiếng ve. Và tất nhiên, luôn có một "cái dây" bị buộc ở cổ.

Mỗi con người một số phận. Con người vốn hôm nay là cừu, nhưng có thể ngày mai là sói. Vốn sinh ra phải chọn cho mình một con đường mà đi.

C'est la vie!
Xem cảnh bắt cá trên sông Li
 

Cây sáo và nàng công chúa

1. Vua Tuyên Vương nước Tề thích nghe sáo và lúc nào cũng muốn nghe 300 người cùng thổi một loạt. Trong 300 người ấy, có Đông Quách Tiên Sinh không biết thổi sáo, nhưng cũng lạm dự vào đấy kiếm lương ăn.

Đến khi Tuyên Vương mất, vua Mẫn Vương nối ngôi, cũng thích nghe sáo. Nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người một mà thôi. Đông Quách tiên sinh thấy thế, tìm đường trốn nước.

2. Cũng ở xứ nọ, có nàng công chúa chẳng mấy phô danh. Nhưng nàng lẳng lặng tìm cách làm ăn dựa vào danh tiếng cha. Rồi có hôm chợt nổi can qua, nàng cũng đành phải rời bỏ đất nước mà cứu lấy thành quả cơ nghiệp bao nhiêu năm ki cóp.

Những kẻ vô tài, gặp may nhờ dịp mà được vị trí, mưu cầu lợi lộc thì có khác gì Đông Quách tiên sinh trong chuyện. Khi vàng thau lẫn lộn, thì còn giữ được địa vị, miếng cơm manh áo. Chớ khi khảo sát từng người, thời cuộc đổi thay thì đành bị đào thải!

"Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa"

Con rận và doanh nghiệp xăng dầu

1. Hàn Phi Tử kể rằng:

Có 3 con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, rồi đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi:

- Ba anh kiện nhau việc gì thế?

Ba con rận đáp: - Chúng tôi kiện nhau, vì tranh nhau một chỗ đất màu mỡ.

Con rận kia nói: - Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh lần nhau thế làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi.

Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nhau nữa, cùng nhau quần tụ. Con lợn mỗi ngày một gầy, người ta không làm thịt, cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi.

2. Mới đọc bài "Doanh nghiệp xăng dầu kiếm lời nhờ tạm nhập mà không tái xuất". Thay vì phải tái xuất theo đúng quy định, nhiều doanh nghiệp đầu mối sau khi tạm nhập xăng dầu lại chuyển kinh doanh tiêu thụ nội địa, tận dụng kẽ hở về chính sách thuế nhằm kiếm lời.

Ví dụ, doanh nghiệp tạm nhập hàng vào ngày 15/6 để tái xuất và hưởng thuế suất tạm nhập bằng 0. Đến ngày 3/7 thuế nhập khẩu xăng dầu tăng từ 10% lên 12%, lập tức doanh nghiệp xin chuyển lô hàng tạm nhập ngày 15/6 thành tiêu thụ nội địa. Lúc đó, thuế của lô hàng chuyển tiêu thụ nội địa sẽ được tính vào ngày 15/6, tính ra doanh nghiệp lời 2% tiền thuế so với thuế nhập hàng bán nội địa.

Ngoài ra, một 'lỗ hổng" khác về chính sách tạm nhập - tái xuất giúp các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dễ dàng toan tính hơn. Theo quy định, sau khi nhập tạm, thời gian lưu hàng lên đến 120 ngày, đầu mối được quyền gia hạn 2 lần, mỗi lần 30 ngày, tính ra thời gian tạm nhập có thể lên đến 180 ngày.
 
Trong khi đó, giá xăng liên tục tăng ba lần chỉ trong một tháng, từ 20.400 đồng lên 23.000 đồng/lít khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nhiều.

3. Báo chí nước ngoài bắt đầu đưa tin Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Trước mắt, đó là ngành ngân hàng đang đối mặt với vấn đề nan giải. Người dân không tiếp cận được với nguồn vốn, trong khi hàng loạt doanh nghiệp tư nhân đối mắt với nguy cơ phá sản.

Nếu ví nền kinh tế Việt Nam như con lợn ở trên, sắp đến hồi chết. Nhưng đám rận vẫn đoàn kết lại với nhau, thành cái gọi là "nhóm lợi ích".

Và tất nhiên, con lợn với ông đồ tể không có chung một thứ ngôn ngữ, để có thể kêu lên rằng: "Tôi đang bị hút máu".

Lối thoát nào cho chúng ta?


Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Con chó và khẩu hiệu

1. Chuyện kể rằng, một hôm, có một anh người Pháp đến thăm một người Anh. Lúc tới cổng, con chó lao ra sủa ầm ĩ. Ông người Pháp bị dọa một trận đứng tim . Lúc đó, ông người Anh bước ra trấn an.

- Đừng sợ. Lẽ nào anh không biết câu ngạn ngữ: "Chó sủa là chó không cắn người"?

2. Bữa nay, đọc trên báo Vietnamnet có bài "Khẩu hiệu có...cần không?", thấy chúng ta vẫn tiếp tục mổ xẻ những khẩu hiệu trong trường học. Sau vấn đề lần trước, có nên bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn", tiếp theo là cái gì nữa đây?!

Khẩu hiệu ở trường học chỉ là một phần  trong "ngành khẩu hiệu" nước nhà. Có thể thấy, đi đâu cũng thấy nhan nhản khẩu hiệu. Thậm chí, có những khẩu hiệu thực sự "dốt nát", như cái này chẳng hạn


3.Tiếp câu chuyện ở trên, người bạn Pháp nói với người Anh rằng: "Hai chúng ta đề biết câu ngạn ngữ đó, nhưng...con chó kia....liệu có có biết câu ngạn ngữ này không?"

Bỏ qua chuyện người ta có thể kiếm được gì từ việc sản xuất những mặt hàng kém "chất lượng" như trên. Trên một góc độ nào đó, có cảm giác, người ta cho rằng người dân không thể hiểu nổi những vấn đề đang được tuyên truyền. Liệu những "đỉnh cao trí tuệ" có xem rằng, những người dân ở phía dưới có tư duy chỉ ngang với con chó ở trên?!

Hay như tác giả bài báo cho rằng, "Thế hệ đó bây giờ nhiều người giỏi nói những lời có cánh mà chính họ không hiểu, nhưng chỉ biết làm khán giả khi có ai gặp khó".

Vấn đề nằm ở chỗ, bản thân ngành giáo dục có làm được những điều họ đề ra hay không sau bao năm "Nói không với tiêu cực". Hay cán bộ thể hiện như thế nào sau bao đợt "Phê bình và tự phê bình"......

.

(Thế hóa ra hiện nay,  Nhà trường không "Thân thiện" hay sao?)

"Nhà trường không cần treo khẩu hiệu nào cả. Thay vào đó, nó cần dạy cho học sinh kiến thức và những gì thiết thực. Và nếu nhất thiết phải có khẩu hiệu, thì CHÂN - THIỆN - MĨ là khẩu hiệu đẹp nhất và có thể sống mãi với thời gian".

Thực ra, chẳng cần phải có bất cứ một khẩu hiệu nào cả! 

Bởi "Con rắn không thay được da phải chết. Những đầu óc không chịu cởi mở thay đổi sẽ ngừng hoạt động". – Friedrich Nietzsche

Chịu!!

Chính thực, có khá nhiều chuyện li kỳ ngoài quán nhậu. Phần vì, dân ta hay nhậu nên câu chuyện cũng có dăm ba. Cũng phần vì ở quán nhậu là nơi kẻ say nói chuyện, nên ai đi chấp thằng say.

Chuyện tranh luận giữa 2 tay trông cũng khá "trí thức":
A: Này ông ơi! Thủ tướng với Chủ tịch nước, ai to hơn?
B: Chịu!
A: Sao cái đó mà ông cũng không biết nhỉ?
B: Thế tôi hỏi ông, Tổng bí thư và Thủ tướng ai to hơn?
A: Chịu! Thế tôi cũng đố ông, Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, ai to hơn?
B: Chịu!
A: Thực ra, tôi cũng hỏi nhiều người rồi, nhưng họ cũng "Chịu".
B: Ừ! Thế sao nhà nước không giáo dục cho người dân những kiến thức về Nhà nước cơ bản như vậy nhỉ?
A: Chịu!
B: Ừ, thật. Chịu!

Nghe xong, mình cũng Chịu!!

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Thư gửi bạn (có giấc mơ làm Bộ trưởng)

Chào bạn Bớp,

Nghe nói, bạn sắp sửa tốt nghiệp chuyên ngành quản lý nhà nước ở Triều Tiên, và sẽ về nhà trong tháng tới. Mấy lần trước gặp nhau, bạn cũng tâm sự muốn đi theo nghiệp chính trị. Và rằng, sẽ phấn đấu trở thành Bộ Trưởng Bộ nào đó trong tương lai.

Mình biết, ở Bắc Triều Tiên, bạn không có điều kiện cập nhật thông tin thường xuyên từ nước nhà. Chính vì thế, mình cũng muốn viết thư hỏi thăm Bớp, và qua đây, muốn tâm sự đôi điều với bạn về tình hình hiện nay.

Phải nói thật, nếu bạn có mong muốn làm Bộ trưởng, thì bạn phải nỗ lực đi sâu sát vào quần chúng. Bên cạnh đó, bạn cũng phải nhập gia tùy tục. Nghĩa là, bạn cũng cần phải nắm rõ những gì là bất biến để còn ứng vạn biến. Ý mình muốn nói, chính là cái nghệ thuật trả lời công chúng. Cụ thể, mình nói ở đây là vấn đề trả lời chất vấn ấy!

Bởi rằng, trong bất cứ cuộc trả lời chất vấn hay báo chí, chúng ta thường có những câu hỏi như:
- Bộ trưởng cho biết tại sao lại để xảy ra hiện tượng XYZ trong lĩnh vực của mình.
- Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?
- Quyết tâm chính trị của Bộ trưởng như thế nào?

Và bạn cần phải nhớ, các câu trả lời kinh điển đã đi vào sách vở (mà muốn nói khác cũng không được đâu, đừng sai chỉ đạo), như:
- Nguyên nhân ở đây bao gồm cả chủ quan và khách quan....
- Tôi xin nhận trách nhiệm trên cương vị làm Bộ trưởng...
- Để giải quyết vấn đề này, cần sự quyết tâm vào cuộc của các ngành có liên quan. Riêng cá nhân tôi và Bộ sẽ cố gắng hết sức....

Chỉ cần nắm vững phương pháp, bạn có thể dễ dàng bịt miệng công luận. Còn việc giải quyết tình hình thế nào, thì chỉ cần tự làm và tự hiểu với nhau là được.

Còn nếu, trong nhiệm kỳ của bạn, vấn đề không được giải quyết, thì Bộ trưởng nhiệm kỳ sau sẽ giải quyết hộ. Vấn đề tiếp tục còn tồn tại, thì đó là vấn đề còn tồn tại tích lũy qua nhiều năm. Đó là lỗi của cơ chế. Vì khi đó bạn đã hạ cánh an toàn.

Và khi bạn về hưu, bạn có thể đem tâm huyết của mình để nói trên các phương tiện truyền thông thoải mái. Ý kiến của bạn sẽ được xem xét như một chuyên gia - cựu Bộ trưởng có tâm huyết, nguyện cống hiến cho sự nghiệp đến hơi thở cuối cùng.

Mình ngắn gọn với bạn đôi dòng vậy thôi. và mong bạn sớm về nước, đem kiến thức học được ở Bắc Hàn về để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Vì thực, hai nước có nhiều điểm tương đồng.

Mong bạn giữ sức khỏe và hy vọng sớm nhận được hồi âm.

Thân,

Vịt Đực.



Nhật ký Tuyết Tròn (1)


Lại nói chuyện Tuyết Tròn sau khi chạy khỏi trang trại lão Jones. Nó chạy bán sống bán chết mới thoát khỏi bọn chó săn mà Napoleon đã ngấm ngầm nuôi dưỡng từ lâu.

Nó lang thang, buồn bực và nghĩ về thành quả cách mạng nó không được hưởng, bị Napoleon cướp trắng trợn. Nhìn lại, nó đã chạy hết một quả đồi. Tuyết Tròn bước chậm và uống ngụm nước, và quan sát xung quanh. Bất chợt, nó thấy thấp thoáng phía xa có một trang trại nhỏ thấp thoáng phía sau bức tường rào lè tè, dựng lên cho có. Nó chợt nhớ lại, hình như ở đây, lũ lừa cũng đã làm một cuộc cách mạng thành công sau, 2 tuần sau khi nó và Napoleon lật đổ đế chế của lão Jones.

Nó quyết tâm tới gặp con lừa đầu đàn, với toan tình làm một cái gì đó để lấy lại những gì đã mất. Tuyết Tròn đến thẳng khu nhà chính, nơi con Lừa Đầu Đàn đang nằm khểnh, ngắm mặt trời sau bữa ăn trưa.

- Chào Anh. Anh có thể cho tôi trú chân, tị nạn ở đây được không?

Con Lừa Đầu Đàn nhận ra Tuyết Tròn, nó mời Tuyết Tròn cùng ngồi trên chiếc ghế dài có bày sẵn hoa quả và cả bình rượu vang. Rồi nó chậm rãi nói với Tuyết Tròn:

- Tôi cũng có nghe chuyện của anh. Thú thực, tôi cũng rất kính trọng anh, nhưng hôm nay mới có dịp gặp gỡ. Anh có thể ở đây một thời gian cũng được.

- Cám ơn anh rất nhiều

- À. Mà anh nghe tin gì chưa. Bên trang trại cũ của anh vừa xảy ra chuyện lớn đó - Lừa Đầu Đàn tỏ vẻ hào hứng.

- Sao. Có chuyện gì thế anh?

- Con Lợn Đầu Bạc chuyên canh giữ kho rượu và tiền của Napoleon vừa bị bắt chiều qua. Napoleon thông báo với các trang trại xung quanh như vậy.

- Nhưng từ trước tới nay. Chỉ có lão Napoleon mới được đặc quyền sở hữu và chia sẽ nguồn tài nguyên đó thôi mà. Lũ chó canh giữ cũng nghiêm ngặt, sao mà có chuyện đó được. - Tuyết Tròn ngạc nhiên.

- Tôi cũng không rõ. Chỉ nhận được thông báo như vậy thôi. Mà cũng phải. Con Lợn Đầu Bạc đó có làm gì được, khi mà việc mua bán cũng do Napoleon kiểm soát và chi phối.

- Anh có thể cho người sang kiểm tra thông tin không. Tôi cũng muốn nhân vụ này xem Napoleon định tính toán điều gì?

- Tôi cũng thử rồi. Đám vịt bên này cũng sang dò hỏi, nhưng không được.

- Sao thế. Nếu không cho tiếp cận thông tin thì Napoleon thông báo làm gì. Xử kín thì có ai biết đâu? - Tuyết Tròn thắc mắc.

- Tôi cũng không rõ. Nhưng đám vịt sang đó về báo cáo lại: Napoleon giao quyền cung cấp thông tin cho lũ chó săn. Tất cả chỉ có từ đó mà ra thôi. Mấy con chó săn thì cứ ậm ừ.

- Thôi. Để chờ tiếp xem sao vậy!

Rồi Tuyết Tròn nâng ly cùng với con Lừa Đầu Đàn. Nó ngắm khoảng trời phía xa, và đang tính toán việc giành lại trang trại của lão Jones. Nó căm hận Napoleon đã ra tay với đồng chí của mình như vậy. Nó sẽ nương nhờ ở trang trại của Lừa, và tính toán kế sách tiếp theo.

......


Bàn về danh dự


Ngẫm thấy, tự cổ chí kim, dù được hiểu đến lớp nghĩa nào, thì 2 chữ “danh dự” luôn đáng quý, đáng trân trọng. Mà như từng có những người tôn sùng mà quên đi sinh mệnh bản thân.

Cứ theo cái nghĩa thông thường mà người đời nay đa phần nhìn nhận, danh dự được xem như là “tiếng tốt” mà xã hội đánh giá, nhìn nhận một con người. Trong mối quan hệ giữa con người và xã hội, thực có thể tạm nhìn nhận theo 2 góc độ: ngoài – trong, khi tiếp tục xem xét 2 chữ “danh dự” này.

Cái ngoài “khách thể” là cách xã hội nhìn nhận con người có danh dự hay không. Vì người ấy có đức tính tốt, có tài năng, đóng góp công lao cho xã hội. Đó là cách xã hội vinh danh con người.

Rồi xét tới, cái cách con người tiếp cận cách đánh giá đó như thế nào. Quả có con người hiểu mình, hiểu người cho rằng cái vinh danh đó xứng hay không? Có kẻ mê muội nhận lấy dù thực phần mình không xứng đáng. Đó là cách mỗi con người tự nhận thức rõ bản thân xem mình có xứng đáng không với cái mà xã hội “vinh danh” đó. Thực thấy, nó như là cái tương tác “trong – ngoài” mà ta đang xét đến vậy.

Cái “trong” đang nói ở đây, chính là cái nhân tố con người, cái trình độ nhận thức của mỗi một con người. Bởi thực, con người có cái tật hiếu danh và không có thói quen tự vấn, nên sinh ra cái u mê, tính dục.

Cứ theo 3 cách phân “cấp” như thế, chính là đánh giá cái “chân danh dự” vậy. Bởi khi con người đã đạt tới cái “minh”, hay cái “ngộ” thì danh dự ấy hoàn toàn là xứng đáng. Như Kant có nói: “Một ý định tốt không phải do những gì nó tác động hay thực hiện. Nó tốt ngay trong chính bản thân nó, dù nó có thành công hay không. Nếu đã nỗ lực tối đa vẫn không thực hiện được điều gì cả…thì nó vẫn sẽ tỏa sáng như một viên ngọc quý vì chính bản thân nó đã có giá trị đầy đủ”.

Như cụ Phạm Quỳnh đã từng đề cập tới trong “Danh Dự Luận”: Không có lòng danh dự mà có tính hiếu danh, thời dễ táng tận lương tâm, lương tâm đã táng thất thời con người ấy làm cho mà chẳng được? Cái con người quỵ lụy, khúm núm trước mặt người trên kia, muốn đẹp lòng trên để cầu lấy danh tiếng hão với kẻ khác, ví phải bán vợ đợ con đi mà cầu cho được, tưởng cũng không đừng”.

Thực, trong cái xã hội chúng ta, không còn những gì có thể giúp nhìn ra hai chữ “danh dự” kia nó tồn tại. Những hệ thống giá trị đem vinh danh, tưởng thấy chỉ là cái hư danh phù phiếm, không đánh giá nổi nửa phần giá trị con người. Ấy thế mà cũng có những kẻ vì cái danh hiệu “nhân dân”, “ưu tú” mà mọp lưng nhận ban phát đấy sao?

Những giá trị chân chính bị hủy hoại qua năm tháng, khiến con người mất niềm tin vào đồng loại, thậm chí ngay chính bản thân mình. Có bao giờ, ta phải nhìn mâm cơm mà lòng tự hỏi: “Có cái gì không bị nhiễm độc không?”.

Cứ đem từng đó chữ ra mà luận, thì thấy hai chữ “danh dự” đã chẳng còn. Thì mong sao để người ta phải tôn sùng mà quên đi sinh mệnh bản thân như vốn có?

Đôi điều về học thuyết tiến hóa


1. Loài người phải trải qua rất nhiều triệu năm để tiến hóa từ vượn thành người, để có thể đứng thẳng được. Những giả thuyết "hợp lý" nhất cho đến lúc này chỉ ra rằng, đó là nhờ hành vi "hái quả", và "phát hiện kẻ thù" từ xa mà "bỗng nhiên" con người có hành vi đứng thẳng.

Đứng thẳng và đi bằng hai chân mang lại nhiều ưu thế nổi bật: giảm diện tích bề mặt cơ thể dưới ánh nắng nhiệt đới, do đó giúp giảm thiểu sự tăng nhiệt độ quá mức, nhất là với não; giải phóng đôi tay để dùng công cụ; nhìn rõ hơn và xa hơn khi di chuyển (do đứng cao hơn); tăng vẻ đe dọa khi phải đối mặt với kẻ cạnh tranh…

Nói tóm lại, nhờ việc đứng được thẳng, mà con người đã tiến hóa qua nhiều triệu năm, và đạt được nhiều thành tựu cho đến ngày hôm nay.

2. Nhưng cũng vẫn theo thuyết này, có những vùng đất không có nhiều "quả ở trên cao", nên sau một thời gian "đứng thẳng", chúng lại không có cơ hội để tiếp tục sự hoạt động cần thiết cho tiến hóa.Như vậy, rõ ràng, ở những nơi có điều kiện tự nhiên như vậy, giống vượn này chậm tiến hóa hơn, thậm chí có nguy cơ biến mất khỏi trái đất.

Theo bản năng sinh tồn, những con vượn này sẽ "cúi xuống" tìm kiếm quả và hạt dưới đất. Vì thế, lưng của chúng sẽ ở trạng thái "nửa thẳng" (mà bây giờ chúng ta gọi là khom lưng).

Thêm vào đó, để có thể chia nguồn thức ăn hạn chế, những con đầu đàn đã tự cho mình "quyền phân chia" nguồn thức ăn của cả đàn. Chúng sẽ được ăn trước, thức ăn còn thừa rơi vãi, sẽ được các con yếu hơn nhặt nhạnh.

Với lập luận như trên, đó chính là tiền đề xuất hiện một nhóm người có lưng "nửa thẳng". Và theo một số báo cáo khoa học gần đây, châu Á là vùng đất nơi loài này từng sinh sống và tiến hóa tới ngày nay.