Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Thời gian là gì?

Thời gian là gì?

Chắc chắn rằng mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau về thời gian, mong các bạn chia sẻ nó với mọi người.

1. Khái niệm

Thời gian là 1 bí ẩn đối với con người, Thời gian là gì thì thánh Augustin ở thế kỷ IV đã nói: "Nếu không có ai hỏi ta điều đó thì ta biết nó là gì, nhưng nếu có người hỏi ta và ta cố giải thích thì lúc đó ta sẽ không biết nó là gì nữa"

Vậy thì từ bản chất thời gian là gì?

2. Tính tương đối của thời gian

Thời gian nghĩa khác nhau trong từng giai đoạn của lịch sử:

-   Thời thượng cổ, nếp sống mộc mạc đơn sơ thì thời gian được tính theo sự vận hành của mặt trời và mặt trăng.

-   Thời nay thì con người đang vội vã sống trong 1 thế giới hiện đại , thời gian được tính theo đồng hồ chính xác,  tạo ra những phương tiện đo đến 1 phần triệu và 1 phần tỉ của 1 giây đồng hồ. Con người luôn sống vội vã trong từng giây, từng phút.

-   Thời gian cũng mang tính tương đối, với nông dân cày ruộng thì thời gian được tính theo chu kì của mặt trăng, đối với nhà kinh doanh thì thời gian là tiền bạc, tiền bạc là vua, đối với các nhà khoa học thì thời gian lại thay đổi theo vận tốc, đối với bác sĩ thì thời gian là từng giây phút cho việc cứu lấy mạng sống con người, đối với Thiền sư, khi ngồi thiền thì thời gian sẽ dừng lại, và ko tồn tại vì khi tư tưởng ngưng đọng thì thời gian sẽ biến mất, lúc đó ko còn sự so sánh giây phút trước với giây phút sau đó…..trong bài Vật bất thiên của Triệu Luận, một có những đoạn liên hệ đến vấn đề hữu thể và thời gian như sau:

“Sự sanh tử luân hồi, mùa đông mùa hè thay phiên biến đổi, hình như có vật lưu động, ấy là sự hiểu biết của người thường, nhưng tôi thời nói chẳng phải vậy. Tại sao? Kinh Phóng Quang Bát Nhã có nói: “Các pháp chẳng có khứ lai, chẳng có pháp nào động chuyển cả.” ( nghĩa là ko có thời gian).

3. Mối tương quan giữa thời gian và hữu thể tồn tại

Heidegger tác giả quyển  “ hữu thể với thời gian” (1927) trong đó ông cho rằng:

Giữa thời gian và sự tồn tại có quan hệ lẫn nhau vì  tồn tại người là một hiện hữu ý thức được sự hiện hữu của chính mình, tức là có khả năng nhận thức, khả năng tự hỏi về vấn đề hiện hữu. Tồn tại không phải là các sự vật và nó cũng khác hiện hữu. Tồn tại người là nền tảng, là nguồn gốc của toàn bộ hiện hữu.

4. Các loại thời gian

Thời gian là 1 phạm trù triết học, theo sự phát triển của các ngành khoa học khác nhau thì thời gian cũng có khái niệm khác nhau như, thời gian tâm lý ( triết học), thời gian sinh lý ( sinh lý học), thời gian thiên văn (Thiên văn học), thời gian địa chất ( Khảo cổ học), sự tiến bộ của khoa học làm cho quan niệm về thời gian thêm đa dạng và chính xác.

a. Thời gian tâm lý thì chủ quan, khi anh ngồi gần 1 cô gái đẹp thì thời gian trôi qua rất nhanh, nhưng khi a ở tù thì thời gian là vô tận ( nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại).

Trong tác phẩm "Thời gian có hay không? " một đạo sư của thế kỷ 20- Krishnamurti, trong khi trao đổi với nhà vật lý lượng tử David Bohm đã phát biểu: "Cái trở thành là cái tệ hại nhất, đó là thời gian, đó là nguồn gốc đích thực của xung đột" và ông đã lên án rằng. Thời gian tâm lý là xung đột, rằng thời gian là kẻ thù con người?

b. Thời gian sinh lý thì ko đồng đều, có người già trước tuổi, có người trẻ so với tuổi tác, có người tuổi cao mà tâm hồn vẫn còn trẻ.

Sinh lý học cho rằng thời gian phản ánh các đặc tính liên hệ với môi trường, khái niệm này được mô tả bằng đồng hồ sinh học, các sinh vật và động vật có khả năng đo thời gian, tiến trình sống của chúng được định bởi các nhịp hàng ngày, theo mùa, theo chu kì sinh học.

Người ta có thể chứng minh rằng trong các sinh vật nhịp sinh học của chúng được định bởi các sự biến đổi có nhịp của môi trường địa chất ( nhà thực vật học Linne đã làm 1 “đồng hồ hoa”, ông trồng nhiều bồn hoa, mỗi bồn một loài nở vào 1 giờ trong ngày, tiến sỉ Douglass đã nghiên cứu các vòng tăng trưởng hàng năm của những cây thông vàng ở Arizona (USA) và nhận thấy các tế bào gỗ sinh vào mùa xuân và đầu mùa hạ, lúc có mưa thì lớn và tròn, bao bọc bởi 1 vách mỏng có màu nhạt, sinh ra lúc giữa hạ sang thu thì ngày càng nhỏ và dẹt).

Douglass ko phải là 1 nhà thực vật mà là 1 nhà thiên văn học, ông nhận thấy các vết đen trên mặt trời theo chu kì hoạt động 11 năm của chúng có liên quan sự phát triển của cây cối trên địa cầu, nó đã để lại dấu hiệu trên cây cối, các vòng trên cây đã cho biết độ tuổi của cây. Khám phá này của ông được dùng làm phương pháp đo thời gian rất có ích cho khảo cổ học.

d. Thời gian địa chất, thiên văn được xác định chính xác theo các phương pháp định vị khoa học

Trong thời gian đo địa chất người ta nối liền thời gian với các tiến trình diễn ra bên trong đất đá và hóa thạch, đồng hồ được dùng ở đây là quá trình biến đổi phóng xạ của các nguyên tố hóa học như uranium 238, carbon 14, kalium 40…..

Sau 1 thời gian nhất định gọi là “nửa đời” thì số lượng nguyên tử phóng xạ ban đầu giảm đi 1 nửa và cứ tiếp tục như thế, nửa đời của carbon 14 là 5570 năm, của uranium 238 là 4,5 tỉ năm

e.  Trong vật lý học thời gian được nối liền với 1 đặc tính nguyên tử, ví dụ như phân tử ammoniac NH3 có cấu trúc hình tháp với 3 nguyên tử H ở đáy và 1 nguyên tử N ở đỉnh, nhưng còn có 1 nguyên tử N’ đối xứng với nguyên tử N qua mặt phẳng HHH, nguyên tử N có thể dao động giữa 2 vị trí cân bằng ấy theo 1 chu kì xác định 23,87 tỉ lần trong 1 giây. Đồng hồ nguyên tử đầu tiên dựa trên nguyên lý này ra đời vào năm 1948.

Kể từ 1967, đơn vị thời gian 1 giây ko còn nối liền với chu kỳ quay của trái đất quanh trục của nó do trái đất quay ko đều và chậm dần dưới ảnh hưởng của triều lực mặt trăng, nó phải được tính theo chu kì bức xạ của nguyên tử cesium, chu kì này ko bao giờ thay đổi luôn có tần số 9 192 631 770 Hz. Hiện nay, các thành tựu của quang học lượng tử đã nâng độ chính xác trong phép đo thời gian lên mức 0,000.000.000.000.1 giây đáp ứng yêu cầu của tất cả các ngành khoa học.

Sự chuyển động làm giãn nở thời gian

Vật lý học chứng minh rằng, khi 1 đồng hồ đặt trong 1 con tàu vũ trụ thì vận tốc v của con tàu càng cao thì đồng hồ chuyển động chạy châm nhiều so với đồng hồ đứng yên

f.  Thời gian theo nhận thức Phật giáo

Theo nhận thức Phật giáo, thuyết cấu trúc tiêu tán là một thuyết về tánh khởi tức y tánh duyên khởi, “pháp trụ pháp vị”. Tại một điểm trong một xứ và một thời nhất định, các cấu trúc lưu xuất từ pháp giới và tồn tại bền vững xa vị trí cân bằng được bởi vì chúng cùng biến chuyển lưu chú và hỗ tương giao thiệp với những luồng năng lượng và vật chất trong pháp giới. Quả là một nghịch lý khi cấu trúc hiện hữu như một cá thể độc lập riêng biệt mà không hẳn riêng biệt vì thật ra là pháp giới tính trùng trùng duyên khởi. Trong pháp giới tính trùng trùng duyên khởi, một hữu thể đối đãi hiện ra các hữu thể, các hữu thể đối đãi hiện ra một hữu thể. Về mặt pháp tướng, mỗi một hữu thể cá biệt tự giữ được tánh riêng, làm đối tượng cho sự nhận thức biết nó là nó. Về mặt pháp tánh, thật tướng của hữu thể là Không, không có giới hạn, không có phần vị sai biệt.

Như vậy, mỗi hữu thể là biểu hiện của lý hỗ tức (mutual identity) và lý hỗ nhập (mutual penetration). “Hỗ tức” hay “Tất cả là Một, Một là Tất cả” phô diễn ý nghĩa của câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” trong Tâm kinh. “Hỗ nhập” tương ứng với nguyên lý duyên khởi theo đó không có sự vật nào hiện hữu độc lập, có sẵn định tánh nơi bản thể của nó, và mọi vật đồng thời hiện khởi, nương tựa lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cái này không chướng ngại sự hiện hữu và hoạt động của những cái kia. Nói tắt, “hỗ nhập” là đồng thời câu khởi, đồng thời hỗ nhiếp, và đồng thời hỗ dung.

Cũng cần nhắc lại rằng vũ trụ với tất cả hữu thể chỉ là hình chiếu của thực tại chân như trong một khung không thời gian do phân biệt vọng tưởng tạo ra. Theo Duy thức, vũ trụ là do thức biến. Vạn pháp do thức mà sanh.

Như vậy theo quan điểm này thì thời gian ko có thực, đều do vọng tưởng của con người mà có. Khi ngồi thiền dứt mọi vọng niệm, đạt đến cảnh giới cao thì thời gian sẽ biến mất.

5. Kết luận

Qua các phân tích trên có thể kết luận rằng, khi hữu thể ý thức được mình tồn tại thì có rất nhiều loại thời gian được mô tả theo ý thức của người đó và tùy theo nhu cầu và trạng thái của người đó mà thời gian sẽ được định dạng, anh ta đang hạnh phúc thì thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, anh ta đang đau khổ thì thời gian sẽ là vô tận. Anh ta là 1 nhà khoa học đang định tuổi của 1 vật thì thời gian địa chất sẽ xuất hiện…..

Khi anh ta ngồi Thiền thì kể từ lúc anh xuất tứ thiền để đi vào các trạng thái thiền định cao hơn (Hư không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ thiền, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Diệt thọ tưởng) thì thời gian với anh ta sẽ di chuyển chậm lại, và khi đạt đến trạng thái thiền thứ 9 – diệt thọ tưởng thì thời gian hoàn toàn biến mất.


Tài liệu tham khảo

1. Thời gian là gì? Trần Tân Mỹ  ( Khoa học và phổ thông 191-1983)
2. Hữu thể và thời gian Martin Heidegger
3. Thời gian có hay không Krishnamurti
4. Ý nghĩa thời gian đau khổ và sự chết Krishnamurti
5. Vật bất thiên -Tăng Triệu, Thích Duy Lực dịch

Nguồn: sachxua.net

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Đọc Trần Đức Thảo, nghĩ về Tank man

Trong Sự Hình Thành của Con Người [La Formation de l’Homme - 1986], lùi xa hơn nữa vào quá khứ so với loạt bài của thời 1966-1973, Trần Đức Thảo nhìn thấy nguồn gốc của động tác chỉ dẫn ở sự trỏ vào mảnh đá vỡ.

"Mảnh vỡ tồn tại tự thân trong hòn đá tự nhiên. Nhưng cú đập đã rút nó ra từ thiên nhiên và đặt nó đấy như là vật tự thân tồn tại cho các chủ thể hiện diện, bởi vì qua sự rơi xuống nằm dưới đất ấy, mảnh đá được trỏ cho cả tập thể những người lao động trông thấy. Và chính vận động chuyển đổi từ vật tự thân thành vật cho ta này, qua trung gian tượng trưng của dấu hiệu chỉ dẫn, đã được lặp lại vô tận sau đó trong suốt quá trình phát triển của lao động, ngôn ngữ và ý thức" (Triết lý của Trần Đức Thảo đã đi đến đâu? - Phạm Trong Luật)

Chắc nhiều người đữa từng được xem, hoặc nghe, câu chuyện về người đàn ông chắn chiếc xe tăng ở Quảng trường Thiên An Môn. Đến giờ phút này, tên tuổi và sự sống của anh vẫn còn là một ẩn số với nhiều giả thiết được đặt ra.

Khi đọc xong những dòng trên của triết gia Trần Đức Thảo, có cảm giác anh như cái "hòn đá tự nhiên" ấy. Hình ảnh của anh đã "trỏ" cho cả tập thể những người khác trông thấy. Qua trung gian tượng trưng của các dấu hiệu chỉ dẫn (tương tác giữa anh và phần còn lại của thế giới), tạo nên một hình ảnh biểu trưng cho sự đấu tranh chống lại hệ thống mang nặng tính đàn áp.

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Phản tỉnh

Trong 2 chữ "phản tỉnh" thì phản có nghĩa là hành động ngược lại so với những gì đang diễn ra. Còn tỉnh có nghĩa là "tỉnh giác". Như hòa thượng Thích Thanh Từ có nói: Tập soi lại mình là tỉnh giác. Nghĩa rằng, khi nói tới phản tỉnh là ta cần nhận thấy cần phải có những hành động kịp thời để quay về với trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không mê mờ.

Nhưng thực, ý thức phản tỉnh chẳng phải bỗng chốc mà có được. Tự soi lại mình để quay về con đường chánh đạo không hề dễ. Đôi khi, có thể ví nó bất khả thi nhưng tự tóm tóc nâng mình lên vậy. Khi chưa thể tìm cầu những yếu tố nội tại, người ta có thể nương vào trước nhất yếu tố bên ngoài bản thể.

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã viết rằng: "Tại Làng Mai, mỗi khi tụng Tam Quy là tụng theo tiến trình "Con về nương tựa Bụt" trước, rồi đến "Đã về nương tựa Bụt", sau cùng là "Về nương tựa Bụt trong con". "Con về nương tựa Bụt" là bước đầu của sự thực tập: thất Bụt ở ngoài".

Đôi khi chúng ta cần một chiếc gương soi. Ta nhìn thấy hình ảnh mình trong đó, biết mình đẹp xấu ra sao. Chẳng dễ mà trên con đường hoạn lộ dường như đầy thuận lợi, ta lại nghe thấy được tiếng gọi nào đó khiến ta tỉnh giấc và nhìn thấy những nguy hại tiềm ẩn phía trước. Lúc đó, ta cần một tiếng gọi thật to, đánh thức và đưa ta ra khỏi cơn mê.

Những con người xung quanh trong cuộc sống hàng ngày chính là những tấm gương ta có thể soi vào trong cuộc sống thường nhật. Họ làm những việc trên con đường riêng, theo lý tưởng riêng. Ta nhìn vào họ để soi rõ xấu tốt, sự dũng cảm hay đớn hèn, sự dấn thân hay hèn mạt.

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Giải cứu kiểu gì?

Mới rồi có nghe tin, thêm một đại gia thủy sản nữa nợ ngập đầu. Cụ thể công ty Phương Nam có số nợ 1.600 tỷ đồng. Báo chí còn đưa thêm tin, công ty này phải trả lãi lên tới 200 tỷ mỗi năm.

Người giải cứu lại chính là chồng bà Diệu Hiền - ông Trần Văn Trí, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An. Với vai trò là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Trí Việt. chồng bà Diệu Hiền được mời về Sóc Trăng tham gia giải cứu thủy sản Phương Nam.

Thế nhưng, trước đây mấy tháng, ông Trần Văn Trí lại phải chạy vạy khắp nơi để xin giải cứu công ty Bình An với một số nợ chẳng kém phần khổng lồ. Người "giải cứu" Bianfishco lúc đó là ngân hàng SHB. Khi được phỏng vấn, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển tỏ ra lạc quan dù phải nhận lại "cục nợ" Bianfishco từ Habubank bởi ông tin có đủ cơ sở thu hồi nợ. Ngoài công ty này, Habubank còn nhiều con nợ "đại gia" khác, trong đó có Vinashin.

Thậm chí, mới đây, ông Trí đã gửi thư cám ơn Thủ Tướng về việc chỉ đạo kịp thời. Bức thư được gửi đi trong ngày 2/9. Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), công ty trước bờ vực phá sản nhưng trụ vững đến ngày hôm nay, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và người nuôi cá miền Tây vui mừng vì bán được cá tra, thu được nợ đúng dịp lễ 2/9 là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng.

Tại cuộc họp sáng 5/11, sau khi nghe đại diện các chủ nợ ngân hàng báo cáo dư nợ tại Công ty Phương Nam, ông Trần Văn Trí cho biết với kinh nghiệm điều hành, tái cơ cấu Bianfishco vượt qua khó khăn, ông đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh Sóc Trăng, Công ty Mua bán nợ (Bộ Tài chính) và các ngân hàng để xin tham gia tái cấu trúc toàn diện Công ty Phương Nam.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc Agribank Sóc Trăng cho biết các chủ nợ ngân hàng cơ bản thống nhất phương án tái cấu trúc của Công ty Trí Việt là giao cho ông Trí đại diện Công ty Phương Nam với vai trò Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật. Sau khi tái cấu trúc xong, ngân hàng sẽ tiếp tục bơm vốn cho doanh nghiệp sản xuất ổn định như trước đây.

Theo dõi toàn bộ sự việc, thấy thực sự ngờ vực.

- Nếu trước ông Trí có nguồn tài chính để cứu Phương Nam thì tại sao lại không cứu được chính mình?

- Nếu kinh nghiệm của ông thuyết phục được các đối tác và chủ nợ, thì tại sao phải chạy vạy vất vả mới cứu được công ty Bianfishco?

- Bianfishco vừa mới..."ốm dậy", đang cần ông Trí dồn kinh nghiệm và tâm sức để vực dậy. Nay ôm thêm Phương Nam có hợp lý không?

- Hay đây chỉ là màn mượn danh che các khoản nợ xấu, cho vay thiếu chặt chẽ của các bên đã cho Phương Nam vay?

Nếu là nhà báo trong buổi họp báo, có thể mình sẽ đặt ra các câu hỏi như vậy!

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

V.A. Xu -khôm-lin-xki - Bàn về giáo dục (2) - Tâm hồn

(....) Nếu thời thơ ấu, con bạn mắc phải một sai lầm nhỏ và ghi nhớ nó suốt đời thì khi lớn lên, con sẽ không phải hối hận về những sai lầm lớn, sẽ không phải đau khổ mà nghĩ rằng: tại sao bố mẹ đã không dạy bảo cho ta? Tại sao bố mẹ đã không đòi hỏi ở ta? Đứa trẻ phải biết tự nghiêm khắc với chính mình.

Thiếu sự nghiệm khắc đó thì sẽ không thể có được một cuộc sống trung thực, đúng đắn. làm cho một đứa trẻ đòi hỏi cao ở mình, và nói chung, làm cho chúng biết nghiêm khắc với bản thân - đó là một trong những giai điệu tinh tế nhất trong cả dàn nhạc mà chúng ta dọi đó là giáo dục đạo đức. (...)

Chúng tôi dạy học sinh của mình như thế.

Nhà giáo dục chỉ là gieo những hạt giống hợp lý tốt lành và vĩnh cửu khi anh ta nhìn nhận đúng đẵn cái tốt và xấu, đánh giá một cách đúng đắn hững khởi tinh tế của tâm hồn, những ý nghĩ, dự định, hoài bão. Nhìn nhận một cách đúng đắn cái tốt và cái xấu là cơ sở của sự công minh.

Còn giáo dục sẽ không là giáo dục nữa mỗi khi đứa trẻ cảm thấy người ta đã đối xử với nó không công minh. Sự không công minh gây ra sự xúc phạm và căm phẫn, sự hèn mạt và giả dối. (...)

Bức tường có thể quét trắng lại một cách dễ dàng, còn tâm hồn bị bôi nhọ một cách bất công sẽ đau đớn suốt đời, nếu như nó không bị chai đá đi và quen với thói hèn mạt và giả dối (...)


Chiếc áo ngực và chiến thuật "đập tour"

Vừa rồi, có đọc được bài khá hay của bác Đào Tuấn về chuyện hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Cụ thể là chiếc áo ngực, với thuốc lạ, và giá rẻ bất ngờ - 15.000 đồng/chiếc. Chợt nhớ đến cái chiến thuật kỳ quái mà lũ bạn chơi game AOC (Age of Conqueror) trước hay dùng.

Thông thường, trước khi 2 bên đánh nhau, thường dành thời gian "lên đời" và phát triển quân đội, vũ khí. Nhưng mấy anh Việt Nam chỗ mình học đã rất sáng tạo, khi đưa ra chiến thuật "đập tour" (tour là cái chòi canh).

Đại để là vừa vào trận, cho mấy anh nông dân xây cái chòi canh ngay quanh các mỏ nguyên liệu, ruộng lua, và sát nhà chính. Mũi tên từ các tháp canh bắn chết nông dân, khiến đối phương không tập trung vào phát triển kinh tế và quân đội được. Có những trận đấu kết thúc chóng vánh, nếu đối phương không có kinh nghiệm chống đỡ. Có bên cũng áp dụng chiến thuật ngược lại, hoặc hi sinh vài anh nông dân ra để đập vỡ tháp canh.

Ngẫm ra trong câu chuyện này kể cũng có liên hệ. Chỉ mỗi mặt hàng áo con chứa thuốc lạ thôi mà khiến cả xã hội nháo nhào. Quản lý thị trường phải ra quân kiểm tra và siết chặt thị trường. Người dân thì mất công đi rạch áo để kiểm tra (kèm theo mất tiền, vì tiền mua đã trả rồi, rạch là mất), thiếu niềm tin vào quản lý thị trường, bất ổn tâm lý...

Tính ra, thì đó là thời gian, là tiền của nhân dân chứ đâu nữa; là lãng phí; là mất niềm tin vào nhau trong quan hệ buôn bán thường ngày.

Ngày mai hay ngày kia, thêm vài ba cái quần lót tẩm thuốc lạ; đồ khô ướp thuốc lạ... thì chẳng có mà loạn lên ấy chứ!

Chẳng khác gì, họ chỉ vác vài ba thằng nông dân sang xây cái tháp canh cạnh nhà, là đã tổn thất và nhốn nháo lên cả rồi!

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Đã ai chết đâu mà lo

Báo chí vừa rồi đưa tin về vụ áo ngực Trung Quốc có chứa..."thuốc lạ". Cơ quan quản lý đã gửi mẫu tới bên giám định để xác minh xem đó là chất gì.

Xã hội tất nhiên là lo lắng. Nỗi lo tăng lên vì vốn đến giờ này ta vẫn chưa biết hình thù cái chất ấy ra làm sao cả. Nhưng có những người cũng không mấy bận tâm, đó là những người buôn các sản phẩm này từ Trung Quốc.

Khi được hỏi, một chủ cửa hàng ở chợ Ngã Tư Sở lên tiếng: “Loại áo này không phải mới sản xuất, tôi dùng cả năm rồi có sao đâu. Nếu chết thì tôi chết trước rồi. Mà loại này bán rất chạy, nhiều chị em mua hàng của tôi về có thấy ai kêu ca gì đâu? Đã ai chết đâu mà lo”.

Đúng là chưa có ai chết cả!

Thủy điện sông Tranh chịu động đất hết trận này đến trận kia, nhưng cũng bởi chưa có ai chết nên người ta cứ từ từ xử lý.

Nợ xấu, nợ quốc gia là chuyện của nhà nước, đã có nhà nước lo. Cùng lắm là chia đều ra, mỗi người gánh một ít, chứ mình có chịu hết đâu mà lo.

Chỗ này, chỗ kia, chính sách bất hợp lý thì cũng là việc của vùng đó. Chính quyền thành phố mình, xã mình, tỉnh mình; đã áp dụng ở chỗ mình ở đâu mà lo.

Thu hổi đất nông nghiệp làm sân golf là việc của nông thôn, chứ có phải việc người thành phố đâu mà lo.

Vàng là chuyện của thằng có của. Mình cả đời làm có đủ ăn đâu mà có tiền mua vàng. Hơi sức đâu mà lo.

........

Có thể nói, đây chính là tâm lý rất phổ biến của dân mình. Chẳng biết, cái suy nghĩ này nó có nguồn cơn từ đâu nhỉ?

Than ôi!!!!




Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Quán cũ

Lâu lắm rồi, hắn mới lại ghé cái quán cà phê ấy. Chỗ gắn bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Hắn cũng cửng rõ nguyên nhân chính nào khiến hắn bỏ cái quán đó tới hơn 1 năm trời chẳng ghé?!

Nhiều người từng ghé chân cùng hắn chẳng thích cái quán đó. Ai cũng chê cái nhà vệ sinh chềnh ềnh ở góc vườn hoa đập vào mắt. Nhưng tuyệt nhiên, bao năm ngồi đó, hắn chẳng để ý gì cả. Thật, nếu để ý kỹ thì nó rất vô duyên, nhưng chưa bao giờ hắn bận tâm về nó.

Lý do ư? Hình như là do con mụ chủ nâng giá. Tự nhiên lại tăng thêm 3.000 đồng một cốc cà phê, dù rằng có thực cái lạm phát phi mã nó ảnh hưởng tới ít nhiều. Mụ tăng giá là vì mụ quyết sửa cái quán lại trông cho nó khang trang hơn. Giờ hẳn trông nó mới hơn, với lớp sàn đá mới, và cả quạt, cả đèn.

Hắn là thằng hoài cổ, chẳng thích thế. Hắn yêu cái lớp tường vôi tróc, mỗi mùa mưa ẩm là nó lại nổi lên những lớp ố vàng. Cái màu vàng của vôi ố theo thời gian hợp với cảnh lá bàng rơi mỗi khi mùa đông đến. Cái nền gạch vỡ, nhấp nhô do nhiều nhà xung quanh mới xây cất, càng làm tăng thêm tuổi thọ cho cái không gian liêu xiêu.

Cái quán chỉ là một phần trong bức tranh của hắn. Hắn rất thích ngồi trong phóng tầm mắt qua vườn hoa đối diện, ngắm ánh đèn vàng hắt qua tán cây mỗi buổi mặt trời khất bóng. Ở đó có bóng dáng của một cái không gian Pháp, vừa có cả nét của một Hà Nội xưa trong ký ức. Ở đó, hơi thở của một Hà Nội cổ xưa hòa chung với nét lãng mạn của Pháp. Cái vườn hoa ấy nằm sát con đường hắn từng cầm cành đào bán ngày Tết, ngắm màu vàng của quất mỗi độ Tết đến, Xuân về, và cả hình ảnh của cô gái bán hoa đứng bên hè trong chuyện Một Kiếp Người.

Cố nhiên, phố giờ chẳng còn những nhà cổ ngày xưa. Toàn nhà mới cao tầng hiện đại. Nhưng những hàng cây có tuổi đời lớn hơn cả tuổi hắn, che chắn thật khéo léo, khiến không gian trở nên hư ảo, giúp hắn đánh lừa được thị giác. Hắn mặc sức hồi tưởng. Ánh đèn vàng hiu hắt đưa hắn trở về những ngày mẹ đạp xe đưa con thong dong qua phố vắng.




Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

CHỨNG NGỘ (*)


(*) Tiêu đề do tác giả tự đặt

(....)
Trong khi ôm cuốn sách 1892, tôi thấy lóe lên vài tia hào quang của trực giác: thì ra tôi không có lý tưởng nào cả, không có hoài vọng nào cả, không có lập trường nào cả, không có chủ trương nào cả, không có hứa hẹn chi với ai cả, không tự công nhận mình là một thực thể giữa những thực thể. Quyết nhiên không phải môi trường sinh hoạt của nhân loại nói chung đã tạo nên cái thấy đó. Quyết nhiên không vì chán nản vì lo sợ vì ước muốn vì say mê mà có cái thấy đó. Cái thấy đó hồn nhiên tĩnh mạc mà xuất hiện. Lấy gậy đập vào tôi, lấy đá ném vào tôi láy súng bắn vào tôi lấy lửa đốt tôi đi, Nguyên Hưng sẽ thấy tan biến cái hình dáng cái ý niệm về con người tôi mà cả tôi và Nguyên Hưng đã từng tạo dựng nên, đã từng tưởng là có thực, mờ ảo như mây khói, như hư vô nhưng sẽ không phải là mây khói là hư vô, không xấu xí không đẹp đẽ nhưng vẫn có xấu có đẹp như hình bóng trên màn bạc.

Lúc ấy, Nguyên Hưng ơi, tôi thấy tôi trở về. Áo của tôi, giầy của tôi, ngọn đuốc của tôi mất hết. Tôi chỉ còn là một con châu chấu vô tư nằm trên lá cỏ, Ừ, đúng là một con châu chấu. Nó không nhớ lại tiền thân. Tiền thân của nó biết thế nào là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tiền thân của nó biết thế nào là tăng, giảm, cấu, tịnh,sinh, diệt. Nó nằm trên lá cỏ, không phải để xa lánh, để phản đối, để chê bai. Trẻ con thích những con chuồn chuồn có cánh đỏ và mình đỏ như những trái ớt. Nó mầu xanh, lẫn trong cây cỏ, ít đứa nào thấy. Nó không trốn, nhưng mà nó không gọi. Nó không biết triết học là gì và nhất là lý tưởng là gì. Nó cảm ơn bài học của cuộc đời. Nguyên Hưng ơi em sẽ chạy hấp tấp qua đồng cỏ để đón đứa trẻ năm xưa trở về. Và khi trông thấy tôi, Nguyên Hưng sẽ trở lại. Trong lúc tâm hồn em tràn đầy thất vọng, em sẽ may mắn tìm thấy nó trên một lá cỏ.

(...)
Cửa sổ phòng tôi để mở rộng suốt ngày đêm, như một lời cầu nguyện. Chuyện xảy ra cho tôi không phải là một chuyện vui, nhưng không phải là một chuyện buồn. Có những vấn đề của sự sống mà ta không thể xem là những vấn đề có thể nghiên cứu và tư duy. Ta phải sống, phải chết với chúng, phải giao chiến, phải đồng nhất với chúng. Chúng không thuộc riêng phạm vi của trí tuệ, chúng có gốc rễ ở cả phạm vi của tình cảm và ý chí nữa. Chúng khua động tiềm thức và bản thể. Chúng thống trị tim óc xương tủy máu huyết của con người. Nó là một hủy thể, rồi nó trở nên hủy thể của hủy thể. Còn tôi thì thành một bãi chiến trường.

Ra khỏi cơn bão tố thì mới biết còn hay mất. Còn hay mất đây không phải chỉ cho sinh mệnh - còn hay mất đây chỉ cho một cái gì quan trọng hơn sinh mệnh, đó là cái ta, cái ta trước giờ bão tố. Lúc đó tôi cảm thấy tôi rất cần những người thương yêu nhưng tôi cũng biết rằng nếu có mặt họ trong những lúc đó thì tôi lại càng cô đơn hơn, càng đau khổ hơn. Có lẽ tôi phải đánh đuổi họ, hoặc là tôi trốn chạy họ, nghĩa là tôi phải đánh đuổi tôi.

Nguyên Hưng khi bão tố đã gây xong tan nát, khi những lớp vô hồ rã xuống thì quanh cảnh cũ cũng vừa tan. Trong hoang vắng có một vài tia nắng xuất hiện từ chân trời xa rọi tới. Những tia nắng đó đã không sưởi ấm được cảnh tượng chút nào mà còn làm tăng thêm tính chất cô đơn và hoang tàn của mặt đất. Tôi xuất hiện trầm lặng, mình mang đầy thương tích và rất cô đơn, một thứ cô đơn tuy có sức mạnh nhưng vẫn là cô đơn.

Trong hình thể mới, tôi biết Nguyên Hưng không nhìn ra được tôi. Và những người tôi nghĩ là thân yêu cũng không nhìn ra được tôi. Mọi người muốn tôi nguyên vẹn như chú bé ngày xưa. Làm sao mà có thể như thế được, Nguyên Hưng. Làm sao tôi có thể vừa sống vừa không sống như thế được. Sống nghĩa là phải chết, chết trong từng giây từng phút, chết trong cơn bão tố để làm điều kiện cho sự sống phát sinh mãi mãi hoài hoài.

Nguyên Hưng hãy xua đuổi tôi đi, mọi người hãy xua đuổi tôi đi. Tôi không thể vừa sống cuộc sống của con người vừa làm một đối tượng bất biến cho sự thương yêu, cho sự ghét bỏ, cho sự nhàm chán cho sự chiêm ngưỡng. Tôi phải lớn và vì vậy những chiếc áo mẹ tôi may cho tôi ngày trước đã phải rách ở những đường chỉ. Tôi có thể cất kỹ vào rương kỷ niệm những chiếc áo còn thơm mùi trẻ thơ và phảng phất tình thương của mẹ, nhưng tôi phải có áo khác để mặc cho vừa kích thước. Áo của tôi, tôi muốn tôi được tự may lấy. Tôi không tìm ra được thứ áo mà xã hội may sẵn.

Chiếc áo tôi, trước mắt xã hội, sẽ có vẻ dị kỳ, sẽ không được chấp nhận. Tôi biết điều đó. Mà đây không phải chỉ là vấn đề một chiếc áo - đây là vấn đề của cả con người của tôi. Tôi từ chối tất cả những thứ thước đo người ta bắt buộc chúng ta phải dùng. Tôi nghĩ rằng tôi có một thước đo riêng của rôi, do tôi tìm ra. Và như vậy là tôi phải khai chiến với thiên hạ rồi, phải không Nguyên Hưng. Tôi khai chiến với xã hội, tôi khai chiến với tất cả những ai xâm phạm nhận thức độc lập của tôi. Nhưng mà còn Nguyên Hưng còn những người thân yêu thì sao? Tôi bắt buộc phải khai chiến với em, với tất cả mọi người - bởi vì tôi không thể không là tôi, bởi vì tôi không thể lai chui vào trong cái vỏ cứng mà tôi vừa phá vỡ để thoát ra. Đó là nguyên do của sự cô đơn.

Tôi biết tôi có thể dùng cái vốn liếng tình cảm cũ để ép đưa Nguyên Hưng cùng đi với tôi trong một chuyến du hành không gian, chuyến du hành mà đôi khi chính tôi cũng cảm thấy chóng mặt. Nhưng không gian thì quá hoang vắng và tốc độ thì không thể nào lường trước được. Liệu Nguyên Hưng có thể ngồi lâu một bên tôi được không hay là lại choáng váng lại sinh lòng oán hận thù ghét tôi. Lại ép tôi phải trở về ngay trên mặt trái đất, nghĩa là trên mặt phẳng của những ước lệ những bảng giá trị cố hữu giả tạo? Như thế có lợi chi cho cả hai bên, cả Nguyên Hưng cả tôi hay không?

Cho nên tôi muốn đốt cháy cái túp lều hiện giờ đang làm chỗ trú ngụ của Nguyên Hưng. Tôi muốn gây xúc động, gây hoang mang, gây hỗn độn cho Nguyên Hưng có thể đập vỡ được cái võ cứng đã từng giam hãm mình, bẻ gãy những xích xiềng đã từng ràng buộc mình và phá tan những thần tượng đã từng chế ngự mình. Để vươn lên và để nhận thấy rằng mình không thể còn đau khổ còn sung sướng vì những cái bé nhỏ. Để sống như những người tự do, không chấp nhận một luật lệ nào hết của sự sống. Có lẽ giây phút huy hoàng nhất là giây phút mà tôi được chứng kiến sự trở về của Nguyên Hưng - tôi ưa gọi đó là một sự trở về - Sẽ đẹp tuyệt vời cái giây phút Nguyên Hưng vừa thoát ra khỏi trạng thái hỗn độn nhiệm mầu gây nên cho Nguyên Hưng bởi sự tiêu hủy của túp lều ẩn cuối cùng. Tôi hình dung được hình bóng của Nguyên Hưng vừa thoát ra khỏi chiếc vỏ cứng ngàn đời, đứng oai hùng trong ánh sáng rực rỡ của túp lều đang bốc cháy ngùn ngụt. Giờ phút ấy là giờ phút mà Nguyên Hưng bắt đầu có hết. Và chỉ bắt đầu từ giờ phút đó tôi mới thực sự có Nguyên Hưng.

Tuổi trẻ là tuổi đi tìm chân lý. Ngày xưa tôi viết trong nhật ký; dù sự thực có tiêu hủy anh, anh cũng phải bám víu vào sự thực. Như thế là tôi đã biết rất sớm rằng tìm thấy sự thực không phải là tìm thấy hạnh phúc. Anh ao ước trông thấy nó, nhưng hễ trông thấy nó rồi là anh không thể không khổ đau. Thà rằng anh không thấy gì hết, thà rằng anh chịu sự điều khiển của một người độc đoán của một người hay một đám người khác. Mỗi người đều tự xét mình và xét đoán kẻ khác bằng những nhận thức và những tiêu chuẩn vốn không phải là của mình. Đó chỉ là những gì tạo ra do ước lệ do truyền thống. Đó là những thước đo mà con người chung quanh, ở trật tự hiện htời của xã hội mà mọi người đang phải chấp nhận.

Nguyên Hưng cho cái này là xấu, cái kia là tốt, cái này là thiện, cái kia là bất thiện, cái này là chân, cái kia là ngụy. Nhưng mà những tiêu chuẩn để đoán định ấy vốn không phải là của Nguyên Hưng. Nguyên Hưng đi mượn thước đo. Những cái thước đi mượn không bao giờ có thể gọi là chân lý cả. Chân lý không thể đi mượn, chân lý chỉ có thể thực chứng. Chân lý là trái của thực nghiệm tâm linh, của khổ đau, của sự xúc tiếp giữa tâm linh và thực tại, thực tại hôm nay cũng như thực tại muôn đời. May mắn lắm, hoặc rủi ro lắm con người mới bắt được nó. Và nó của người này không phải là nó của người khác, nó của hôm nay không phải là nó của hôm qua. Nếu Nguyên Hưng khám phá được một cái gì mà Nguyên Hưng biết là sự thực của hôm nay do tâm linh của Nguyên Hưng ấn chứng thì Nguyên Hưng sẽ thấy mọi giá trị cũ đảo loọn và Nguyên Hưng sẽ có một lối nhìn mới nó khiến cho Nguyên Hưng vượt thoát những ước lệ, những thành kiến, những kiến chấp, những tiêu chuẩn và những trật tự…

Có những khuôn vàng thước ngọc ngày xưa nay đã được nhận thức như đã mang tính cách phong kiến. Khi Nguyên Hưng đã đạt tới một tiêu chuẩn nhận thức chân xác về thực tại rồi thì Nguyên Hưng không thể còn giả dối và chấp nhận những gì đã trở thành sai lạc trước mắt Nguyên Hưng. Nguyên Hưng sẽ hành động theo nhận thức mình và như thế chỉ biết tuân theo quy luật của sự sống do nội tâm Nguyên Hưng ấn chứng mà từ bỏ tất cả mọi quy luật của xã hội hiện tại. Xã hội sẽ trả thù Nguyên Hưng một cách đích đáng vì Nguyên Hưng đã dám cãi lại trật tự của nó lịch sử nhân loại đã chứng kiến những cuộc trả thù ấy. Bao nhiêu thảm kịch xảy ra, thầm lặng, bi thiết. Lịch sử nói “mi sẽ chết nếu mi cãi lại”.

Vây mà bao nhiêu người dám, tuy nhận thức sự yếu đuối của mình, cãi lại bóng tối. Bất cứ ai lỡ trông thấy sự thực, lỡ chia xẻ nhận thức về sự thực ấy với những bậc vĩ nhân thì dù ít dù nhiều phải chịu chung số phận của họ. Chịu chung số phận mà không chịu chung danh vọng. Nguyên Hưng, tôi đã nói rằng những tia nắng đầu rọi trên cảnh tượng tan nát sau cơn bão tố dù có chứng nhận được cho một cuộc thoát hình, vẫn chỉ làm cho cảnh tượng là mình đang mang những đau xót của một bà mẹ khi chưa sinh con mà đã biết trước rằng con mình sẽ bị lên án tử hình.

(...)
Nguyên Hưng, một buổi sáng, tôi thấy trời hé nắng, tôi nhận được một cái thiệp chúc sinh nhật từ nhà gửi qua. Hôm đó quả đúng là ngày sinh nhật của tôi. Mà cũng là ngày tôi được tái sinh một lần nữa, không biết lần thứ mấy. Trong một lá thư, Tuệ chép cho tôi ba câu thơ của Trụ Vũ: “tôi đi giữa sa mạc hiu quạnh một con gấu bỗng đến vồ tôi nhưng tôi ngó thẳng vào mặt nó…” Nhưng tôi ngó thẳng vào mặt nó! Phải tôi đã ngó thẳng vào mặt nó, và đã thấy được mặt mũi nó rồi. Tôi như một người vừa được giáp mặt tử thần. Tôi như một người ốm nặng vừa mới bình phục. Tôi mặc áo, xuống đường và lững thững trên hè phố, thèm khát ánh nắng buổi mai sau một chuỗi ngày u ám. Gió bão dịu dần.

(Nẻo về của ý - Chương 7 - Thích Nhất Hạnh)
Nguồn: vnthuquan.net


Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Xuân muộn

Năm ấy mùa đông kéo dài quá. Cái băng giá của mùa đông khiến không cảnh trở nên quạnh quẽ. Những mầm sống chôn vùi dưới lớp băng tuyết dần tan vẫn chưa thể tìm thấy ánh mặt trời.

Mùa đông phủ lên vạn vật một màu xám u uất, buồn tẻ. Cảnh thu cuối còn vương vất lại trong tâm trí là những cây bên góc phố khẳng khiu, vừa trút những chiếc lá cuối cùng. Hàng cây ấy đã già và không còn mang trong thân nhiều sức sống, nhưng vẫn phải cố bám trụ lại trên mặt đất để che chở cho đám cây non chờ ngày cứng cáp.

Mới ngày nào, những chiếc lá xanh dù nhỏ, nhưng vẫn đủ làm tươi lên cả một khoảng không gian. Nhưng nay trở nên còi cọc, sẵn sàng chịu khổ hạnh để sống sót qua mùa đông rét mướt. Những chiếc cành xương xẩu in rõ lên nền trời xám xịt.

Mùa Đông mang đến băng giá, khắc nghiệt đôi khi đến tàn bạo, không dễ gì buông tha cho những sinh linh không giàu sức sống. Nó sẽ dìm chết những gì non nớt, bé bỏng, phù hoa. Chỉ có thể vượt qua mùa đông bằng sự cô độc và giàu tính chịu đựng.

Mùa đông kéo dài. Cảnh vật càng trở nên cô tịch. Ánh mặt trời, bằng tất cả sự cố gắng yếu ở cố vượt qua những đám mây, mang hơi ấm cho cỏ cây. Những mầm non gắng vươn lên hứng lấy để có thêm chút nhựa sống.

Xuân muộn!


Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Mưa



Mưa về. Cơn giông có mang theo thêm ít gió. Gió giật không mạnh nhưng cũng đủ sức là cho tán cây kêu loẹt xoẹt trên mái tôn.

Xưa mỗi lần nghe bão về là nó lại sợ. Nó sợ những quả bưởi sau ngõ gõ lên cái mái ngói. Tiếng gõ không lớn bằng tiếng sấm rền vang vọng, nhưng nó tạo ra những ám ảnh về một con ma lẩn khuất đâu đó trong căn vườn.

Có những năm bão về sớm, nó thường ngồi bên cửa sổ ngó ra ngoài. Những hàng cây oằn mình trong gió. Nhất là hàng cây hồng xiêm sát tận bờ rào. Những cành ngả nghiêng bị gió lay quật, tưởng như sắp gãy, vậy mà vẫn sống sót được qua bao nhiêu cơn bão. Nó thường rình trộm vào những buổi trưa ông nội ngủ, trèo lên nắm trộm vài quả. Vì chỉ mấy ngày nữa, bà nội lại gọi người vào bán hết những quả đang căng tràn sức sống. Phần còn lại không đẹp mã, bà thường cho vào trong chum và dấm bằng đèn dầu.

Có bận mưa to, sân ngập lội bì bõm. Nó thích nhìn mưa sủi cả bong bóng. Những bong bóng trôi từ đầu sân gạch qua phía miệng cống rồi mất hút luôn. Có lẽ, nó thường sống nội tâm nên thấy cái kiếp của bong bóng kia thật ngắn ngủi. Chỉ một quãng ngắn bằng chiều dài của sân thôi, nhưng mà cũng đã khẳng định được sự hiện diện của mình.

Khoảng sân rộng nối với ngõ, có hai hàng chậu cảnh. Cứ mỗi mùa mưa bão, sân ngập là có cá rô rạch từ hồ lên. Nó và thằng em cứ lao thẳng ra ngoài trời khi cơn mưa vừa dứt. Bắt rồi thả ngay, nhưng mà thú. Có khi hai anh em vật nhau ngã trong vũng nước mưa.

Tiếng mưa giờ khác lắm. Nó lộp bộp trên mái tôn với một thứ âm thanh chói tai. Chứ không như tiếng mưa xưa trên mái ngói đã nhuốm màu xanh rêu của thời gian. Nước giờ chảy qua ống máng xối xả, vồn vã, chứ không lách rách theo qua đường rãnh.

Mưa xưa chẳng khác mưa nay. Vẫn là những hạt mưa trong vòng tuần hoàn của nước, hay là ông trời buồn nên khóc như những câu mẹ vẫn hay dặn trêu đùa.

Cảnh thì khác. Đó là cảnh của một cuộc sống hiện đại hơn. Với những vật liệu chống rêu mốc, chống gỉ trên cái mặt mái ngửa mặt lên đối thoại với trời.


Tại sao lại là 10?

Mới sáng thấy có thông tin từ bác Vũ Đức Đam rằng, Thủ tướng sẽ không còn chịu trách nhiệm trực tiếp đối với toàn bộ 21 tập đoàn, tổng công ty hiện có. “Danh sách cuối cùng sẽ được các thành viên Chính phủ biểu quyết. Tuy nhiên, số tập đoàn do Thủ tướng chịu trách nhiệm trực tiếp chắc chắn sẽ dưới 10”, ông nói.

Có lần, thấy ai đó tán nhảm rằng, số 10 thường gặp nhiều may mắn ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Họ thường có cuộc sống viên mãn, và đạt được những thành công ngoài mong muốn của mình.

Hay kiểu, về cuộc sống cá nhân, cuộc đời những người thuộc con số 10 có nhiều biến động. Tuy nhiên, mỗi kết thúc một sự kiện nào đó trong cuộc đời họ đều hứa hẹn sẽ có một sự kiện mới mở ra tốt đẹp hơn.

Trên trống đồng Đông Sơn có 10 ngôi sao, còn trống đồng Hữu Chung có 10 con chim bay quanh.

Hoặc cũng có thể số 10 mang ý nghĩa không quá bán của 21. Nhưng chuyện quản lý kinh tế chẳng phải chuyện đùa. Nhất là vai trò của nền kinh tế nhà nước, với Tập đoàn và các Tổng công ty làm đầu tàu, là cực kỳ quan trọng. Không phải là chuyện có lãi, mà là trách nhiệm chính trị to lớn.

Thế nên, nếu Thủ tướng có đủ năng lực, thì cứ giao cho quản lý tất cả, chứ sao lại giao cho chưa đến 1 nửa. Còn nếu không có năng lực, thì việc 10 Tập đoàn, Tổng công ty đó bết bát, thì cũng đủ để khiến cho nên kinh tế lao đao.

Nên nhớ, Vinalines + Vinashine = 2. Thử tưởng tượng 10 thì sẽ thế nào?

Chuyện quản lý nó không giống như chia cổ phần, phân room cho nhà đầu tư nước ngoài mà quy định theo kiểu nắm tối đa 49%.

Và khi Thủ tướng không có năng lực, thì thử đưa ra 1 ứng viên tiêu biểu để còn biết mặt. Vì nhỡ ra, hơn 11 TĐ và TCT kia cũng toi thì còn biết ai là người chịu trách nhiệm chính trị.


Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Nước sông công lính

Xưa có câu: "Nước sông công lính". Nước sông thì nhiều, còn công lính thì chẳng ai tính. Tất nhiên, ngày xưa nước sông nhiều hơn bây giờ, vì cứ theo như ngoài thực địa, nước sông Hồng có những thời điểm cạn khô do phải chịu sự điều tiết xả lũ từ thượng nguồn. Các sông khác chắc cũng rứa, với tốc độ phát triển thủy điện như hiện nay.

Còn ngày nay, công lính chắc cũng chẳng khác xưa. Nhất là khi Việt Nam vẫn duy trì một tỷ lệ lính trên số dân chẳng kém trước là mấy, để duy trì một nền quốc phòng toàn dân.

Người ta đã rất ngạc nhiên khi Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Trần Trí Thành,  trước câu hỏi của phóng viên về giá thành của nhà máy điện hạt nhân khị bổ sung công nghệ mới đã được Việt Nam tính toán chưa, ông đã bảo rằng: “Chưa xác định giá thành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam!” 

Một dự án khổng lồ với chi phí cho mỗi nhà máy khoản 10 tỷ USD theo dự tính ban đầu, và tất cả khoảng 30 tỷ USD cho 3 nhà máy như theo kế hoạch, mà những người lãnh đạo dự án lại vô tư tuyên bố “chưa” xác định giá thành.

Hãy thử tưởng tượng, có một người đến vay tiền của bạn với kế hoạch làm ăn, như cách nói ban đầu là "rất hoành tráng":

- Ông cho tôi mượn tiền đi. Tôi có dự án kinh doanh này hoàn hảo lắm. Sản xuất gió.

- Định đầu tư bao nhiêu?

- 30 tỷ USD.

- Thế gió bán theo m3, hay theo cân. Định bán bao tiền 1 sản phẩm.

- Ừ. Còn đang phải tính, chưa xác định được.

Đoan chắc một điều, nếu xây xong một dự án kinh doanh vội vã kiểu như thế, nếu không hiệu quả thì cũng...hòa cả làng.

Vì tiền là tiền chùa (do không được công khai và có người giám sát độc lập), trách nhiệm cùng lắm thì là phê bình, thì ai mà chẳng đầu tư được. Nên các cụ nói "nước sông công lình", thì cứ vô tư đi!


Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Chuyện ăn cắp

Theodore Roosevelt từng nói: "Một người chưa bao giờ đến trường có thể ăn cắp một chiếc xe hàng, nhưng nếu được đào tạo đại học anh ta có thể ăn cắp cả một tuyến đường sắt". (A man who has never gone to school may steal from a freight car; but if he has a university education, he may steal the whole railroad)

Bữa trước có nói, ngày xưa ra ngõ thì gặp anh hùng. Còn nay, ra ngõ là gặp cướp. Có những kẻ cướp chiếc túi sách, dây chuyền; còn cũng chẳng thiếu những kẻ ăn cắp cả một "tuyến đường sắt" như trên.

Những kẻ ăn cắp "xe hàng" thường là những kẻ đói, thiếu thốn nên làm liều. Còn những kẻ rắp tâm ăn cắp những tuyến đường, dự án thực mưu cầu những thứ vật chất hơn cả mức bình thường. Bởi chúng là những kẻ có đầu óc, có thể tự làm nuôi thân, nhưng muốn có lợi lộc lớn trong một thời gian ngắn.

Thằng trộm vặt thường dễ nhận ra, lén lút và nét gian manh thường hiện rõ - cảm giác phập phồng thấp thỏm khi chuẩn bị thực hiện hành động của mình. Còn kẻ trộm lớn thường ngụy trang, trá hình rất tốt. Những phi vụ lớn thường đòi hỏi thời gian dài và sự tính toán kỹ lưỡng.

Nhất là khi, hệ thống xã hội không thể giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm minh, thì những kẻ có bản chất ăn cắp khi lọt được qua hệ thống, mang được cái "mác" có học thì thực sự rất nguy hiểm. Nó gây nguy hại cho toàn bộ xã hội, và đánh cắp không chỉ những thứ hiện hữu, mà còn cả tương lai của rất nhiều người.


Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Lâm Tế Ngữ Lục trích


Này các bạn tu! Những người xuất gia còn trẻ thì cần phải học đạo; tôi đây (hồi còn trẻ) ngày nào cũng lưu tâm học hỏi giới luật và uy nghi, và đã từng nghiên cứu tìm hiểu và tham vấn không biết bao nhiêu kinh luận.

Sau một thời gian tôi mới biết đó chỉ là những phương dược cứu đời, được diễn bày qua hình thức lý thuyết. Vì vậy cho nên tôi đã nhất thời buông bỏ tất cả để đi tham vấn và tập thiền. May mắn vì gặp được các bậc thiện tri thức lớn cho nên tôi mới có được con mắt đạo để có khả năng nhìn thấy rõ ràng nhận được ai thật sự là những vị cao túc đang có mặt ở trên đời, ai là giả dối.

Cái thấy này không phải tự mình có được từ khi mẹ mình sinh ra, mà là thấy do sự mài dũa, luyện tập, thể nghiệm và nghiêm tầm rồi một mai tự mình chứng ngộ.

[.....]

Này các bạn tu, chân lý khó đạt tới, Phật pháp rất u huyền, tuy nhiên ta vẫn có thể đi vào các lãnh vực ấy để đạt được kiến giải. Ngày này qua ngày khác, tôi chỉ ngồi đây mà thuyết giảng và đánh phá, những hầu hết bọn họ có chịu để ý đâu.

Ngàn lần vạn lần họ vẫn tiếp tục dẫm chân lên những cùng đất đen tối, không nhận ra được một cái gì rõ ràng, độc lập, chiếu sáng. Chỉ vì các vị còn thiếu đức tự tin, cứ đi tìm kiến giải trên chữ nghĩa văn cú. Nửa đời người đã đi qua mà vẫn còn ỷ lại vào kẻ khác, tiếp tục khiêng tử thi của chính mình như mộ gánh nặng mà đi trong cõi nhân gian.

(....) Này các vị đại đức! Khi nghe tôi nói rằng ngoài kia không có pháp gì để tìm cầu cả thì lại có những kẻ học nhân hiểu lầm, nghĩ rằng phải đi tìm ở bên trong. Họ ngồi xuống bất động, quay mặt vào tường, lưỡi dán vào nóc họng, cho rằng đó là pháp môn của Bụt, của Tổ. Họ lầm to!

Nếu quý vị cho rằng cái tĩnh (cảnh thanh tịnh bất động) là đạo thì quý vị đã nhìn nhận cái vô minh là ông chủ. Ngược lại, quý vị nhận cái động là đạo thì hóa ra các loài cây cối đang động đậy ngoài kia là đạo hay sao? (...)

Nếu quý vị muốn tìm nó trong cái động, nó sẽ đứng trong cái tĩnh; nếu quý vị muốn tìm nó trong cái tĩnh, nó sẽ đứng trong cái động, giống như con cá trong dòng suối đang vỗ sóng nhảy lên.

(Lâm tế Ngữ Lục - Người Vô Sự - Thích Nhất Hạnh)


Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Diễn

Ở đời ai chẳng từng diễn. Ai nói tôi chưa từng "Diễn" thì thực khó tin lắm. Chúng ta biết diễn từ bé, khi bị mẹ mắng cần chối tội, hoặc khi bị điểm kém nhưng phải nói sao cho khỏi ăn đòn. Và những lý do được đưa ra, kèm với đó là việc biểu hiện sao cho đạt. Càng lớn, tần suất các vở diễn càng nhiều. Và cuộc đời là một vở diễn lớn.

Chính trị thì lại càng phải diễn. Xem cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống Mỹ 2012, mới thấy họ diễn tốt thế nào. Ai dám chắc, 1 trong 2 ông lên đều thực thi tốt những chính sách đã cảm kết trong cuộc vận động tranh cử. Mà điều này, nói luôn, là bất khả thi. Nhưng tạo sao họ phải diễn.

Hãy xem họ là những diễn viên trên sàn diễn chính trị. Đầu tiên phải nói, họ phải diễn. Họ được trả lương để diễn. Và dân chúng chính là những khán giả phải mua vé - những tấm vé được mua bằng tiền thuế. Chất lượng vở diễn và tài năng diễn viên, chính là lý do để họ tiếp tục mua vé xem hay không? Nhưng một vấn đề đặt ra là, tại sao họ biết tỏng gần như kết cục vở diễn rồi, mà vẫn mất tiền.

Lý do chính là: việc khẳng định niềm tin và ngày càng nâng cao nhận thức. Khi mua một chiếc vé, người ta có lý do để khẳng định mình nghĩ đúng. Ai chẳng muốn mình đúng, cho dù trong tương lai niềm tin đó có thể bị phản bội. Nhưng họ khẳng định sự lựa chọn của riêng họ.

Qua mỗi một cuộc vận động, những bài diễn thuyết, những cuộc tranh luận không vô nghĩa. Người dân thực muốn nghe, họ sẽ thu nhận được rất nhiều thông tin. Đó là cái vốn tri thức dẫn tới quyết định của họ. Các chính sách về cắt giảm thuế, quyền phụ nữ, đầu tư ở Trung Quốc được biện giải rành rọt, luôn là những bài giảng cô đọng và có giá trị với mỗi người dân muốn tham gia vào quá trình điều hành và giám sát đất nước. Thêm nữa, họ biết đại cử tri mà mình bầu bỏ phiếu cho ai, có phù hợp với nhận định của mình hay không?

Thực ra, chỉ có 2 vai trò cho con người trong bối cảnh này. Một là họ sẽ làm diễn viên, hoặc không, sẽ phải làm khán giả. Và khi làm khán giả, họ có quyền đòi hỏi một vở diễn với chất lượng cao.

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Lịch sử và những chiếc đinh

Trong buổi tọa đàm "Lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh”, tác giả của cuốn tiểu tuyết Hồ Quý Ly nói rằng: "Lịch sử chỉ là chiếc đinh treo cho văn chương".

Cũng trong buổi tọa đàm, Giáo sư Phạm Toàn cho rằng, lịch sử là người câm đã đi mất. Người làm khoa học lịch sử cũng chỉ là người ghi chép lại theo quan điểm của cá nhân họ. Vậy ở đây, chính những người làm khoa học lịch sử là người sản xuất những chiếc đinh đó.

Lịch sử bản chất nó là một sự việc, hiện tượng khách quan. Nó cũng như là nguyên vật liệu ban đầu để người làm sử tạo nên những chiếc đinh. Có quan điểm cho rằng, phương Tây chép sử trọng ở sự thật, nên họ thường chép lại chính xác những sự kiện diễn ra. Còn người phương Đông chú ý tới ý nghĩa sự kiện, nên thường chép lại theo ý đồ, diễn giải của riêng họ. Nên vì thế, phương Đông quan tâm nhiều tới dã sử hơn.

Nhưng dù là phương Đông hay phương Tây, lịch sử đúng như trên đã nói, là chiếc đinh để là chỗ treo cho không chỉ văn chương, mà còn là cho văn hóa, văn hiến. Chất lượng của những chiếc đinh đó là rất quan trọng. Tất nhiên, để treo được, nó còn phụ thuộc vào vật liệu nó được đóng vào: là gỗ, tường vôi hay bắt vít vô tường bê tông.
****
Maslow từng nói: "Nếu có trong tay chiếc búa, bạn có xu hướng nhìn mọi việc giống như chiếc đinh". Người làm sử, vừa là người sản xuất đinh, cũng là người cầm trong tay chiếc búa. Với chiếc búa trong tay, họ có thể đóng hay nện vào bất kể sự việc nào họ ghi chép lại.

Nên khi, lịch sử nằm trong tay những kẻ không có sự dũng cảm, lành nghề và thiếu sáng suốt, sẽ chẳng bao giờ có được chiếc đinh treo tốt cả.

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Con Vẹt

Chắc hẳn nhiều người nghĩ: Vẹt biết nói. Nhưng thực, vẹt chỉ biết bắt chước, chớ vùng đại não của vẹt không phát triển giống như đại não để mà nói được. Tất nhiên, ở đây, cái ngôn ngữ là của loài người. Chứ không ai dám bảo, trong thế giới của vẹt, chúng không biết nói.

Cháu mình 4 tuổi, học lớp mẫu giáo, nhưng đã biết đọc thơ. Hỏi làm sao mà cháu đọc giỏi thế, thì nhận được câu trả lời là: "Cô cháu dạy". Nhưng khi hỏi ra, thì cháu chưa biết chữ. Vậy là, chưa cần phải học chữ thì đã được học thơ, học tiếng Anh.

Hôm nay cháu bảo: "Trưa nay cháu ăn súp. Súp là tiếng Anh đấy!"

Hoan hô. Cháu mình giỏi quá!

Lại kể mấy hôm trước, có cháu học sinh viết trong bài tập làm văn "canh gà Thọ Xương" và hiểu rằng đó là một món canh gà. Chẳng thể trách cháu được, vì chữ "canh" bây giờ cũng không còn phổ biến như ngày xưa. Còn ở thành thị thì lấy đâu ra tiếng gà, để mà biết đó là âm thanh điểm chuyển mỗi canh đâu?! Cô giáo khi ra đề, do cẩu thả không giải thích, nên các cháu đã học như một con vẹt. Chẳng trách!

Ngẫm rộng ra, thì ngay cả nhiều người lớn, giữ chức nọ quyền kia có khi phần lớn cũng là những con vẹt. Là Vẹt Già. Vì có rất nhiều điều họ vẫn nhai nhải hàng ngày, từ nhà ra phố, trên các phương tiện truyền thông, mà thực chẳng biết mình nói cái gì. Nhân viên nhại lại lời của sếp, cấp dưới nhại lại lời cấp trên. Ví như, cậu bạn mình tự hào là giảng viên triết học trong 1 trường đại học, nhưng khi mình hỏi "phép biện chứng" là gì, thì đỏ mặt không giải thích nổi (có thể chỉ là cá biệt).

Thế ra, ngay từ nhỏ, chúng ta đã được dạy để trở thành những con vẹt. Và rồi, cả xã hội cứ cất lên tiếng nói như một dàn đồng ca của những con vẹt sặc sỡ.



Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Bựa

Bựa ở đây không phải nghĩa là "sợ" như ở vùng nào đó (không nhớ rõ), mà có nghĩa là chất còn thừa, tạo thành chất bẩn, bám vào nơi...nào đó. Ví như, bựa răng thì bám vào răng. Mà người ta thường gọi bằng từ hoa mĩ hơn là - mảng bám.

Lại nói đến răng, thì người ta vẫn nói: Cái răng, cái tóc là góc con người. Nghĩa là phải giữ cái dung mạo bên ngoài, đừng tạo ra sự mất cảm tình trong quá trình giao tiếp. Cố nhiên, răng có bựa thì chẳng thể nào gọi là răng đẹp cả.

Mà bựa còn khiến cho răng trở nên không tốt. Nó gây ra viêm lợi, lung lay chân răng, và cả hôi miệng nữa. Chẳng thế, các hãng kem đánh răng đua nhau quảng cáo các loại kem có thể đánh bay các mảng bám một cách cực kỳ hiệu quả.

Nói thế, chứ tránh làm sao được khỏi bựa dính vào răng. Ăn tất nhiên sinh ra bựa. Chẳng lẽ không ăn uống à? Nên bựa là phần sinh ra cùng với quá trình sống của con người.

*****

Nếu xem xã hội, các tổ chức vận hành như một bộ máy, thì nó cũng sẽ phát sinh ra những chất dư thừa bám vào các bộ phận khiến cho bộ máy đấy hoạt động kém hiệu quả. Như cặn, dầu thải chẳng hạn. Cũng có thể gọi đó là Bựa được.

Máy móc bình thường có thể mở ra để lau chùi, chớ bộ máy xã hội cũng giống như răng (máy nhai), chẳng thể dễ mà rửa sách một cách nhanh chóng như thế.

Chọn loại súc miệng nào, bàn chải nào, kem đánh răng nào còn phải xem cái miệng nó có phù hợp hay không? Nếu dùng loại mạnh quá, diệt hết cả những vi khuẩn có lợi trong nước bọt hay miệng, thì khác gì ném chuột mà làm vỡ bình quý.

Vẫn biết bựa là bẩn, là gây nên sự hôi miệng, làm hỏng những chiếc răng, nhưng mà loại bỏ nó đi thì chẳng dễ.

Hơn nữa, ở ta chẳng phải ai cũng có đủ hiểu biết, thời gian, điều kiện, để cứ 6 tháng đi lấy cao răng 1 lần. Mãi cho nhẵn bóng, cho sạch tiệt cái thứ hôi hám đó đi.




Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Tản mạn chuyện chó

Lông đen hay lông vàng, xù hay mượt, chó nào chẳng là chó. Cũng là từ loài hoang dã do thuần hóa mà gần với con người.

Chẳng biết căn nguyên từ đâu, mà người Tây lại muốn làm bạn với chó, ăn ngủ với chó và gần gũi với chó đến mức đáng ngạc nhiên như thế. Vì thế, mà người với chó luôn gắng đi tìm một ngôn ngữ chung. Người ta dạy chó là một chuyện, nhưng cùng với đó, luôn gắng đi tìm hiểu cả ngôn ngữ của chúng. Nên xem thấy, chó cũng có tâm lý chẳng khác như người. Cũng hờn cũng giận. Cũng ích kỷ, mang tâm lý sở hữu. Cũng ghét, yêu màu sắc nọ kia. Khi có chút ít sự hiểu nhau, thì vốn chẳng đồng thanh tương ứng, vẫn có đồng khí tương cầu.

Chó ta thì hơi khác. Bảo người với chó không phải là bạn với nhau thì không đúng. Nhưng rõ, ở ta nuôi chó đa phần cốt chỉ để giữ nhà. Mà vốn giống cho giữ nhà chỉ cần có độ cảnh giác cao và trung thành là được. Cảnh giác nghĩa là dù ngủ hay thức, thì vẫn phải cố mà vểnh tai lên nghe ngóng. Thấy động khắc sủa. Chó càng cảnh giác cao càng là chó tốt, mang lại sự an tâm cho chủ. Còn trung thành có nghĩa là đừng có cắn chủ, dù bất cứ lý do là gì. Nên những cái thứ giáo dục rườm rà như kiểu Tây, không bao giờ khiến chủ bận tâm. Mà ngôi thứ giữa chó và người luôn phân định rõ rệt. Nếu có trót liếm mặt là không được. Chẳng thế, các cụ mới có câu "nhờn chó chó liếm mặt". Nhưng có thể mặc sức cắn người nếu trót vì lý do nào đó xâm phạm vào lãnh địa của chủ.

Chính từ thái độ và cách giáo dục chó mà sinh ra nhiều chuyện tức cười. Nghe đâu ở đất nước xa xôi nào đó, có 2 cha con vận động viên nổi tiếng chết vì cứu 1 con chó. Hay để sửa tật một con chó, người ta thuê hẳn bác sĩ thú y đến để sửa cho nó. Còn ở ta, chó hết khả năng trông nhà là bị thịt, làm thành món thịt chó nổi tiếng khắp năm châu.

Nếu còn không tin, hay bán tín bán nghi thì cứ bật kênh National Geographic lên mà theo dõi chương trình Dog Whisperer của Cesar thì khắc rõ. Cứ xem vào đó, muốn chó ta có học thức hơn để gần gũi hơn với con người, thì cần phải có sự giáo dục đầy đủ.




Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Câu chuyện Slogan ngành Du lịch

Chẳng đụng chạm tới thì thôi, chứ mỗi khi bàn tới chuyện du lịch nước nhà, thì lại thấy có nhiều điều kỳ cục. Nhất là chuyện cái Slogan.

Từ "Điểm đến của thiên niên kỷ mới", "Vẻ đẹp tiềm ẩn" đến "Vẻ đẹp bất tận" mà thấy chẳng nhấn mạnh được một yếu tố nào cụ thể. Ngoài có một cái chung chung, như 2 cái slogan gần nhất - Vẻ đẹp.

Đẹp là một cái gì đó thật khó mà định tính, lẫn định lượng. Có người bảo cô Ngọc Trinh đẹp khi quảng cáo đồ lót, bởi cơ thể của cô mà được mệnh danh là nữ hoàng nội y. Nhưng có người lại bảo cô chẳng đẹp tí nào. Hay chuyện cô siêu mẫu Campell của nước Anh quá nổi tiếng, nhưng những người không thích màu da lại chê cô...đen nhẻm.

Vì thế, có người bảo Việt Nam đẹp vì lạ. Lạ là ở chỗ mới mở cửa ra với thế giới nên người ta đến thử một chút cho biết. Rồi sau đó, chẳng mấy ai đặt chân đến lần thứ hai. Chả thế, cái câu chuyện lưu giữ khách ở lại Việt Nam lâu hơn đã được đặt ra từ rất lâu mà chưa có lời giải nào thỏa đáng. Và cũng vì thế, mấy anh quản lý du lịch cũng chỉ giới thiệu điểm đến, rồi sau bỏ ngỏ vì đã thu được đầy cái túi ba gang, chạy sang đầu tư ngành khác.

Nó khiến cho ta có cảm giác, nghe thoáng ở đâu đó có ả đào nổi tiếng lắm. Nhưng ghé qua một lần là lại thấy chẳng hơn cái...đồ nhà. Nói vui vậy thôi. Chớ thực thấy, cái tư duy chung chung nó ăn vào máu các nhà thiết kế khẩu hiệu đại tài. Chứ cứ đưa ra một cái tiêu chí cụ thể thì quá là...há miệng mắc quai.

Nhớ lần đi Thái, thấy cái slogan của họ cũng rất đơn giản mà chân tình - "Land of a thousand smiles". Tất nhiên, chẳng ai đếm, nhưng rõ thấy họ cười nhiều thật. Cười từ sân bay cho tới chợ trời! Hay xem cái quảng cáo du lịch của Malaysia - "Truly Asia", thì thấy họ đưa những hình ảnh đúng là đặc tưng của Châu Á. Từ các phố ẩm thực cho đến những lễ hội ngoài trời.

Có thể tham khảo một loạt các slogan như dưới đây:
  1. New Zealand - 100% Pure New Zealand
  2. Live it. Visit Scotland
  3. Cyprus. The Island for All Seasons
  4. Spain. Everything Under the Sun 
  5. Switzerland. Get natural
  6. Latvia. The Land that Sings.
Kèm theo đó, là cách quản lý lỏng lẻo, bỏ mặc cho cơ sở làm theo ý thích, không theo định hướng đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Cứ như vụ khách du lịch Đài Loan mới chết cách đây mấy tuần ở Hạ Long, có lẽ nên đổi lại thành:

Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận - Cái chết cận kề 

Bệnh của sự học

Lại nói chuyện cụ Phạm Bân, bố vợ Hồ Quý Ly, giảng giải cho cháu ngoại về y đạo: "Có thứ vương y, có thứ bá y. Vương y là làm cho con người được âm dương điều hoà, trở về quân bình. Con đường ấy lâu và khó, nhưng bền gốc. Còn bá y thì giống như ông tướng cầm quân nóng nảy và quyết liệt. Nó nhanh đấy, tưởng như kết quả đấy, nhưng căn nguyên thì không dứt". (*)

Ông Nguyễn Điền cũng là một danh y thời đó, là người cũng thân thiết với ông Phạm Bân, có thể nói chuyên về Bá y. Lúc chữa bệnh cho vua Trần Thuận Tôn chủ ý sử dụng thuốc kích dương, để giúp vua nhanh chóng thoát khỏi trạng thái sốc về tinh thần sau cái chết của người anh.

"Ông lang Nguyễn Điền cắt thuốc cho ông vua con, toàn những vị đại bổ, những vị kích thích sự sống. Thêm vào đó, ông cắt vài lát thân cây leo đỏ quánh, thứ cây thuốc bí truyền của riêng gia đình ông. Điền nói với Nguyễn Cẩn:
- Cái thứ giây leo này đã một lần làm cho nhà ta vinh hiển, con có biết không?"


Trong khi đó, ông Phạm Bân không thể đưa ra một cái hạn cho việc vua Thuận Tôn khỏi bệnh.

Nói thế để thấy, theo con đường bá y, có thể mang lại danh tiếng và thành tựu thật nhanh chóng.

****

Trong bài "Bàn về Hán Học", ông Phan Khôi đã chỉ ra cái sự học gồm có:  Cái học về nghĩa lý và Cái học về từ chương khoa cử.

"Nói rằng cái học nghĩa lý là nói gọn cho dễ nghe, chứ trong đó bao hàm nhiều việc lắm. Trong đó có một phần lớn tức ngày nay ta kêu bằng "triết học", xét về bản thể của vũ trụ, cùng tính mạng đạo đức là sự cần thiết cho sự sống của loài người; lại một phần nữa kêu là tu thân dạy về sự làm người cho đứng đắn; lại một phần nữa kêu là kinh tế, dạy về chánh trị kinh tế, cái cách để trị nước và an thiên hạ.

Bên Tàu từ đời Hán về sau, nhà vua lập ra phép thi, tức là khoa cử. Ban đầu cũng do theo cái học nghĩa lý của thánh hiền làm tiêu chuẩn, hễ ai tinh thông nghĩa lý thì được trúng cách, tức là thi đậu; nhưng sau rồi mỗi ngày một sai đi, mà cái học khoa cử đi một đường, còn nghĩa lý đi một đường. Khi họ bỏ quên phần nghĩa lý rồi, chỉ chuyên trọng về mặt từ chương. Từ chương tức là làm từ phú văn chương cho hay cho đẹp, lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự thi cử. Vì vậy nên nói luôn là từ chương khoa cử".

Cứ đó mà chiếu theo, thì cái học từ chương khoa cử nó bám theo xã hội chúng ta từ bấy tới nay. Cái học này nó cũng không khác gì cái bá y như đã nói ở trên, luôn mang lại những kết quả tức thời cho người thực hành theo nó. Và kết quả là, con người ngày càng xa rời cái gốc rễ của sự học.  

"Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cái cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa. Mà nói như vậy cũng còn chưa đúng, phải nói rằng ở giữa đám sĩ phu ta chẳng có cái gì là cái học!"



(*): Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh - NXB Hội Nhà Văn

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Nên xưng Việt Nam là phải

LTS: Vừa rồi có đọc được bài báo của cụ Phan Khôi đăng trên tờ Trung Lập (năm 1931) bàn về tên gọi Việt Nam. Tra trên mạng thấy tài liệu liên quan tới nguồn gốc chưa thực sự tiện cho việc tra cứu, nên đăng lại phần có liên quan. Cũng là để những ai có thêm thông tin đóng góp ý kiến về chuyện sử nước nhà.

NÊN  XƯNG VIỆT NAM LÀ PHẢI

(...)
Ta không nên xưng nước ta là An Nam, là vì cái tên ấy không do ta đặt cho ta, mà do người ngoài đặt cho ta, lại có ý chinh phục ta nữa. Nếu mình dùng hai chữ An Nam mà tự xưng nước mình, ấy là mình cam tâm ở cái địa vị bị chinh phục. Bị chinh phục, là sự cực chẳng đã ; chớ còn an tâm ở cái địa vị bị chinh phục, thế là tự mình làm mất cái bổn tánh tự do độc lập của Trời phú cho đi, không còn xứng đáng là loài người.

Theo lịch sử, hồi nước ta thuộc về nhà Đường bên Tàu, họ đặt một quan nha cai trị xứ ta, kêu bằng “An Nam đô hộ”, quan nha ấy cũng như Đông Pháp toàn quyền phủ bây giờ. Chữ “An Nam” đó nghĩa là làm cho phương Nam an đi. “An Nam đô hộ” nghĩa là: Cái chức quan Đô hộ ấy có cái trách nhiệm phải làm cho phương Nam an đi. Xét sử Tàu hồi bấy giờ, không những đặt An Nam đô hộ mà thôi. Họ đánh yên mấy nước nhỏ ở Tây Vực (gần đỗi Tiểu Á tế á) đặt ra An Tây đô hộ; đánh yên nước Bách Tế và Triều Tiên, đặt ra An Đông đô hộ nữa, cùng đều có ý như “An Nam” vậy.

Mãn thời kỳ đô hộ, nghĩa là đến lúc người mình lấy nước lại mà độc lập rồi, tuy mình xưng tên nước mình là gì trối kệ, nhưng vì mình còn thần phục và triều cống họ, cho nên họ có quyền đặt tên cho nước mình. Bấy giờ dầu bãi đô hộ rồi mà cái tên An Nam họ vẫn giữ, họ lấy mà đặt tên nước mình là An Nam quốc, và phong cho vua mình là An Nam quốc vương. Nước ta mà có cái tên An Nam là từ đó. Và từ đó người Tàu quen kêu người mình là người An Nam.

Người phương Tây giao thông với các nước Á Đông là bắt đầu giao thông với nước Tàu trước. Vì vậy nên người Tây bắt chước người Tàu kêu nước mình là An Nam, mà không kêu theo tên nước mình như chính người mình đã đặt, hoặc Đại Việt, hoặc Đại Nam, hoặc Việt Nam.

Nói riêng về người Pháp thì từ lúc đầu họ kêu cả nước mình là nước An Nam; đến khi chinh phục được, họ chia nước mình ra làm ba, lấy chữ “An Nam” kêu khúc giữa, có ý nói rằng cái nước An Nam thuộc về nhà vua là chỉ còn chút đó.

Tự người Pháp muốn trời muốn đất gì lại không được, song người mình kêu theo như thế là vô lý.

Bởi vậy từ nay ta nên bỏ tiệt hai chữ An Nam đi, đừng dùng mà xưng tên nước ta nữa. Cái khúc giữa của nước ta, ta cũng kêu bằng “Trung kỳ”, dầu trong khi viết bằng Pháp văn cũng cứ xưng như thế.

Còn tại sao mà bảo kêu bằng “Việt Nam”?

Cái tên Việt Nam do vua Gia Long đặt ra sau khi ngài đã nhứt thống toàn quốc từ Nam chí Bắc. Theo sử nói thì ban đầu ngài đặt là "Nam Việt" song vua Tàu sửa lại là "Việt Nam". Từ đấy về sau thì vua Tàu, khi ban chiếu sắc, không kêu nước ta bằng An Nam nữa mà kêu Việt Nam; song dân Tàu nói thường thì vẫn kêu ta là An Nam cho đến bây giờ.

Sau cái tên Việt Nam còn có cái tên Đại Nam, ấy là từ đời vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng, sau khi bảo hộ Cao Man rồi, ngài thấy nước ta bản đồ càng rộng ra, ngài bèn đặt là Đại Nam để đối địch với Tàu là Đại Thanh cho oai chơi. Nhưng cái tên Đại Nam đó chỉ xài trong nước mình chớ còn khi dâng biểu qua Tàu thì lại vẫn xưng là Việt Nam quốc như trước.

Hiện ngày nay đây, giấy mực việc quan ở Trung kỳ vẫn xưng là Đại Nam. Vua Bảo Đại đối với nước Pháp vẫn tự xưng là Đại Nam hoàng đế. Vậy thì, theo nhà vua, cái tên Việt Nam hình như đã mất rồi, vì ngày nay không còn triều cống bên Tàu, không có dịp đem ra mà dùng nữa.

Dân ta, người nước ta, cũng nên theo như nhà vua mà kêu là Đại Nam chăng ? Kêu cũng được, nhưng nghe nó ngượng miệng một chút, và cũng hổ ngươi nữa. Không ai nói như vầy mà xuôi tai được : Chúng tôi là dân nước Đại Nam, bị nước Pháp bảo hộ!

Vậy thì ta nên kêu nước ta là Việt Nam, là phải hơn hết.

Tại sao mà phải?

Những cái tên "Nam Việt" hay "Đại Cồ Việt" ngày xưa chưa hề gồm có phía nam Trung kỳ và Nam kỳ, không đại biểu cho toàn quốc ngày nay được. Duy có cái tên "Việt Nam" do vua Gia Long đặt ra, cái tên ấy mới có bao gồm phía nam Trung kỳ và cả Nam kỳ vào, cho nên dùng nó mà chỉ cả nước ta như bản đồ chữ S ngày nay là hiệp lắm.

Tôi lặp lại lần nữa :

Từ rày về sau, chúng ta không nên kêu nước mình bằng An Nam.

Từ rày về sau, chúng ta nên kêu nước mình bằng Việt Nam.

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6367 (7.2.1931)


Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Tản mạn chuyện Phân

Câu nói của Mao vốn là kinh điển: "Trí thức chỉ là cục phân". Nhưng hình như, câu nói của ông này đã bị suy diễn và hiểu lầm. Mà dẫu có thế, thì cũng là lẽ thường. Vì người chết rồi, lấy đâu ra ai mà đối chất. Chẳng lẽ, người ta lại đi gọi hồn để xem ý ông là như thế nào.

Ví như, trong truyện "Tại sao con mèo chạy cụp đuôi?" của Azit Nê-xin, ông chẳng đưa ra ví dụ rồi sao:

"....Sau này, khi về thế giới bên kia, thế nào tôi cũng tìm ngay Gớt để hói một câu:
- Người ta kể lại rằng, trước khi giã từ cuộc đời ông có nói: “Kéo rèm ra cho sáng thêm chút nữa!”. Ý nghĩa của những lời vĩ đại này là gì?
Tôi biết chắc rằng Gớt sẽ cười rồi bào:
- Tôi nói: “Cho thêm chút ánh sáng nữa” à? Có gì đâu, lúc ấy tôi thấy mắt tối sầm lại, để nhìn cho rõ mặt những người đang ở bên, tôi liền bảo kéo rèm thêm cho sáng hơn. Thế thôi!..."

Đấy, ví dụ rõ rành rành như là thế đấy. 

Còn trên góc độ cá nhân, tôi nghĩ rằng Mao có ý tốt. Ai cũng biết vai trò của trí thức rất quan trọng, đóng góp rất nhiều cho sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Mao vốn chẳng phải trí thức, nên có lẽ ăn nói kém hoa mỹ. Nhưng thực, ở đây, ông ví Trí Thức như Phân, kể ra cũng có ẩn ý riêng, muốn trí thức bón cho mảnh ruộng xã hội thêm tươi tốt. Người sau có thói quen cứ suy diễn linh tinh là thế. Oan cho họ lắm!

Vấn đề còn lại là sản xuất "Phân Trí thức" sao cho tốt mà thôi. Nhưng khổ nỗi, trong cái cơ chế hổng lỗ chỗ, pháp luật lỏng lẻo, thì khó có thể có được nhưng sản phẩm tốt thực sự. Ai chẳng nhanh chân bắt chước, tìm kiếm cơ hội làm giàu thật nhanh. Sản xuất Phân cũng không là ngoại lệ.

Người ta sản xuất Phân Trí thức kém, khiến cho người tiêu dùng và xã hội mất dần sự tin tưởng. Dần mòn không còn ai nhìn nhận đúng vai trò của loại Phân đặc biệt này nữa, nên cuối cùng suy diễn và đổ thừa cho ông Mao.

Thế đấy!


Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Những nhà giáo dục đại tài

Bài toán Cải cách Giáo dục vốn không hề dễ để mà giải được (he he). Nên việc có rất nhiều ý kiến góp ý là điều đáng hoan nghênh (hi hi). Hãy xem người trong cuộc nói gì:

1. ‘Rút ngắn bậc phổ thông sẽ tiết kiệm 10.000 tỷ đồng' : "Cần phải đổi mới quan niệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là công cụ, các em ra đời có thể học tiếp. Tiểu học không cần nhiều môn, phổ thông rút ngắn còn 11 lớp", (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ).

Khi cấp 3 rút một năm, một triệu học sinh bớt được một năm học là đã tiết kiệm cho xã hội 1 triệu năm. Mỗi em một năm ăn tiêu hết 10 triệu đồng, khi rút một năm sẽ tiết kiệm cho xã hội một số tiền không nhỏ trong lúc đất nước còn khó khăn.

2. Học phổ thông trong 9 năm?

Theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cần phải cấu trúc lại nền giáo dục để không chỉ hội nhập quốc tế, tương thích với nhiều quốc gia mà còn định hướng nghề nghiệp, phân luồng nghề nghiệp sớm cho học sinh.

Ông Tùng cũng đưa ra phương án được coi là khả thi “1111” - “1 tiểu - 1 trung - 1 cao - 1 đại” của mình. Theo đó, bậc tiểu học vẫn học 5 năm, cấp THPT học 4 năm. Với mô hình này, học xong 9 năm, học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp văn hóa phổ thông.

THPT sẽ được thay bằng 2 năm “dự bị ĐH” (Pre-University) dành cho người muốn học ĐH, học sinh sẽ học theo định hướng chuyên môn qua các môn tự chọn để sau đó lấy kết quả xét tuyển hoặc thi tuyển vào các trường ĐH.

3. Phương án 9+2

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội, khẳng định cấu trúc lại giáo dục phổ thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu học phổ thông chỉ có 9 năm theo như ý kiến của ông Lê Trường Tùng thì không ổn, bởi 15 tuổi hết phổ thông, nếu đi lao động là phạm luật, cũng không phù hợp tâm, sinh lý các em.

PGS Văn Như Cương đưa ra 2 phương án: Một là, học 11 năm hết bậc phổ thông, sau đó ra trường. Những học sinh có chất lượng cao, khoảng 20% - 30% học tiếp năm thứ 12 chia theo các khối ngành (khoảng 4-5 môn học), xem như dự bị ĐH, sau đó thi vào các trường ĐH. Còn lại hầu hết có thể đi học trung cấp, CĐ dạy nghề sau khi học hết lớp 11. Hai là, sau lớp 9, học sinh học lớp 10, 11 nhưng học chuyên ban luôn, mỗi ban học 4 môn. Hiện nay, học sinh THPT học đến 12 môn khiến học sinh không tập trung được, trong khi kiến thức lại bị loãng.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đưa ra phương án “9 + 2”. Theo ông, chương trình phổ cập là 9 năm, sau đó học sinh tự chọn học các môn phù hợp với tương lai trong vòng 2 năm tiếp theo. Theo ông, đây là 2 năm để định hướng đối với học sinh và thực tế nhiều nước trên thế giới cũng đã đi theo hướng này.

4. Quy trình ngược

Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan nghiên cứu của Bộ GD-ĐT, GS Nguyễn Lộc, Viện phó Viện Khoa học Giáo dục, lại cho rằng giáo dục hiện đang quá tải, nếu chương trình 12 năm rút xuống 10 năm thì sẽ quá tải thế nào?

Ông Lộc cho rằng đổi từ 12 năm xuống 10 năm thì phải đổi toàn bộ chương trình sách giáo khoa (SGK), đào tạo lại giáo viên. Thêm vào đó, lượng giờ học trong trường phổ thông của học sinh Việt Nam hiện nay là thấp vào loại nhất thế giới. Hiện giờ học của Việt Nam chỉ ở mức gần 8.000 giờ trong khi thế giới 9.000 - 12.000 giờ, nếu từ 12 lớp xuống 10 lớp số giờ sẽ còn giảm đi nhiều nữa.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 vừa được thông qua nêu rõ đến năm 2015 sẽ có chương trình và SGK mới.

Tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương, chiến lược không nói gì đến cấu trúc lại nền giáo dục mà chỉ nói sẽ có chương trình, SGK mới là một quy trình ngược. “Chưa tái cấu trúc chương trình học phổ thông để xác định 10 năm, 11 năm hay 12 năm mà đã viết chương trình, SGK thì rất vô lý. Trước hết, phải xác định rõ ràng cấp 1 học bao nhiêu năm, cấp 2 học bao nhiêu năm, cấp 3 học bao nhiêu năm, có dự bị ĐH không, phân luồng như thế nào... Phải bàn trước, sau đó mới nói đến chương trình, SGK, chuyện gì làm trước phải làm trước, chuyện gì làm sau phải làm sau chứ không thể ngay lập tức nói đến viết SGK” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

ĐẤT NƯỚC CHÚNG TA QUẢ LẮM NGƯỜI TÀI!

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Nhớ tiếng gà

Tiếng con gà chọi ông chú chợt vang lên, khiến mình buông cuốn sách xuống. Cái cảm giác ngày xưa lại ùa về. Mình nhớ tiếng con gà kêu, lúc sắp bị giết thịt.

Ngày xưa, vào dịp giỗ tết vẫn thấy con gà nằm bị úp trong cái sọt. Trẻ con xúm quanh nghịch ngợm, có khi khiến nó phọt cả phân ra. Cả đám ồ lên, cười ánh lên nét tinh nghịch.

Nhà nào có giỗ là biết ngay. Cứ nghe tiếng con gà kêu những tiếng cục tác liên hồi thảng thốt, là biết nồi nước đạt trên cái bếp củi đã sôi lên rồi.

Ấy thế mà bao nhiêu năm những ngày ấy đã qua rồi. Giờ chẳng còn nghe được những thanh vị của ngày xưa. Không còn tiếng gà kêu trước khi bị cắt tiết, tiếng con lợn eng éc trong chuồng, hay tiếng chim véo von trên các tán cây đầu ngõ...

Chỉ còn nhà, phố chật chội, lùm xùm những quán ăn nhậu bình dân. Nhà cửa mọc khấp khểnh như bộ răng của em Bống Hồng Nhung. Chắc chẳng có cuộc đại thẩm mỹ như em để có hàm răng trở nên đẹp đẽ hơn.

Rồi lại nhớ tới câu thơ đọc đâu đó trên mạng:
" Còn trời, còn đất, còn non nước
Có dễ ta đâu mãi thế này" 

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Ca dao-Tục ngữ

     - Bao giờ cho đến tháng ba 
Ếch cắn cổ rắn, tha ra ngoài đồng
      - Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
      - Ông trăng mà lấy bà trời
Tháng năm ăn cưới, tháng mười nộp treo
      - Con lợn to bằng con mèo
Làng ăn chẳng hết, đem treo cột đình
      - Con voi nằm dưới gậm giường
Cóc đi đánh giặc, bốn phương nhọc nhằn
      - Chuồn chuồn thấy cám thì ăn
Lợn kia thấy cám, nhọc nhằn bay qua
      - Trời mưa cho mối bắt gà
Cào cào đuổi cá, chui qua khe rào
      - Chó con bắt trạch dưới ao
Có một quả đào, ném ngã năm cô
      - Thóc giống cắn chuột trong bồ
Một trăm con muỗi đuổi vồ con trâu
      - Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ, biết đâu mà tìm
      - Bong bóng thì chìm, gỗ lim thì nổi
Đào ao bằng chổi, quét nhà bằng mai
      - Hòn đá dẻo dai, hòn xôi chắc rắn
Gan lợn thì đắng, bồ hòn thì bùi
      - Hương hoa thì hôi, nhất thơm là cú
Đàn ông to vú, đàn bà rậm râu
      - Con cá mày ở dưới ao
Tao tát nước vào, mày chạy đi đâu
      - Ngồi buồn vác giỏ đi câu
Được ả Thị Màu con gái phú ông
      - Sông Hồng rộng chẳng tày gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi
      - Chơi cho quạt lá long nhài
Cầu Ô gãy nhịp, thuyền chài bong đinh.
      - Bao giờ cây cải làm đình
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta
      - Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
      - Lênh đênh bảy lá thuyền tình
Chìm ba bến nước mới tìm thấy hoa.
      - Con rận bằng con ba ba
Đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh.

Giật mình!

Lần theo đường link của một anh bạn trên Facbook, thì biết tới câu chuyện của một giáo viên dạy sử ở THPT Phan Đình Phùng (Trò chuyện với cô giáo dạy sử gây sốt trên Facebook). Học sinh yêu mến cô quá, nên lập ra một Fanpage trên Facebook có tên "Hội phát cuồng vì cá tính cô Dung sử thpt Phan Đình Phùng".

Chẳng dễ mà thời nay có được giáo viên khiến học sinh...phát cuồng. Nhưng phát cuồng theo cách nào thì còn phải xem.

Và học sinh phát cuồng vì những phát ngôn như dưới đây:

(Ảnh lấy từ tiin.vn)

Bổ sung thêm những câu "bất hủ":

"Có lần trông kiểm tra cô phát hiện ra mấy đứa đang quay bài. Cô thu hết lên bàn rồi bảo: "Quay ruột mèo là kiểu quay... quê nhất trên đời". Cả lớp nhao nhao lên hỏi cô quay kiểu nào mới hay. Cô bảo: "Thi tốt nghiệp xong tôi sẽ dạy"".

"Hình phạt của cô đối với những học sinh nói chuyện: Cô sẽ bắt vẽ cái ông Gandhi gì gì đấy. Lần khác thì cô bắt vẽ cái hình người ta đi biểu tình xong bảo là :"Tôi đếm đủ số đầu người đấy đừng có vẽ ăn bớt".

 
Vậy tại sao lại cấm "Sát thủ đầu mưng mủ" nhỉ?

Thoát Phân luận

Ở xứ nọ, thiên tai giáng xuống, đất đai dần trở nên cằn cỗi, mất mùa hạn hán liên tiếp mấy năm. Những người dân sống ở vùng đó dần bỏ xứ đi hết, chỉ còn lại loài chó trụ lại được. Năm này qua năm khác, chúng dần sinh đẻ thành đàn thành lũ.

Một hôm, những con chó già nhất trong vùng họp lại với nhau dưới bóng cây đa sân đình. Con chó già nhất tên là Trưởng lão chủ trì buổi họp bất thường. Khi tất cả tươm tất ngồi đâu và đó, nó đứng lên phát biểu:

- Tôi có một vấn đề suy nghĩ đã rất lâu. Kể từ ngày con người đi khỏi chỗ này, chúng ta đã duy trì được nòi giống và phát triển cho tới ngày hôm nay. Nhưng sớm muộn gì, con người cũng sẽ quay trở lại.

Nó ngừng một chút, quan sát xem thái độ của đàn chó xung quanh. Thấy con nào con nấy đều chăm chú lắng nghe, Trưởng lão nói tiếp:

- Từ xưa tới nay, chúng ta vẫn bị xem thường là giống vật hạ đẳng, vì phải ăn phân con người. Cái đó bị con người xem như một sự thật hiển nhiên. Còn tôi cho rằng, đó là một phần thói quen do lịch sử để lại. Mấy ngàn năm qua, dưới sự đè nén của con người, chúng ta buộc phải ăn thứ bẩn thỉu đó. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta có thể thay đổi được.

Nó dừng lại một chút, rồi nói tiếp:

- Loài chó chúng ta, vốn không phải là loài kém thông minh. Nhưng vì xã hội chúng ta được tổ chức không tốt, lý thuyết về xã hội chưa được phát triển. Tuy thế, với tình huống hiện nay, chúng ta cần phải quyết tâm tìm ra giải pháp thay đổi nguồn thức ăn. Tôi đề nghị, tất cả những con thông minh nhất sẽ nghiên cứu vấn đề "THOÁT PHÂN LUẬN". Các anh thấy thế nào?

Một con cũng khá già, giơ tay lên xin phát biểu:

- Thưa Trưởng lão, cứ cho là chúng ta thực hiện xong "Thoát Phân luận", thì chúng ta sẽ ăn cái gì bây giờ?

Trưởng Lão điềm nhiên trả lời:

- Tất nhiên, chúng ta sẽ ăn xương, ăn cơm.

- Chúng ta không phải là loài ăn thịt thì làm sao săn các loài khác được. Còn cơm thì phải trồng lúa, mà chúng ta có biết trồng lúa đâu?

Trưởng lão bỡ ngỡ trước lý lẽ vừa đưa ra. Nó không biết phải giải thích thế nào, vì thực vấn đề "Thoát Phân luận" đưa ra chỉ là suy nghĩ đến nhất thời. Nó chưa thực tìm hiểu sâu.

Suy nghĩ hồi lâu, Trưởng lão nói:

- Đó là vẫn đề tôi đặt ra thế để chúng ta nghiên cứu. Đúng là "Thoát Phân luận" xong, làm thế nào để phát triển thì quả thực tôi vẫn chưa nghĩ ra. Nhưng các anh cũng cần suy nghĩ xem như thế nào.

Không khí im lặng bao trùm toàn bộ đàn chó. Đúng là vấn đề đặt ra quả thực rất hợp lý. Nhưng chúng cũng chưa thể tìm ra giải pháp nào khi thiếu vắng hình bóng của CON NGƯỜI.

Vì quả thật, chính con người đưa chúng từ tự nhiên, thuần dưỡng chúng cho tới ngày hôm nay.


Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Nền khoa học "tự sướng"

Vừa đọc thấy thông tin "Từ tháng 10 năm nay, các ứng viên cho chức danh GS, PGS không phải đáp ứng quy định sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Đây là điểm thay đổi trong quy trình xét công nhận chức danh GS, PGS được đưa ra theo một thông tư sửa đổi do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 11/9".

Như vậy là, điều kiện trở thành GS và PGS đã trở nên...thông thoáng hơn. Hàng năm, sẽ có thêm nhiều người nữa được phong danh hiệu này. Mà ắt hẳn, trước khi về hưu được phong học hàm hẳn sẽ có thêm cái gì đó ở tuổi "dưỡng già" (xin lỗi những vị GS, PGS chân chính!)

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Tuấn: "Đại đa số các tập san khoa học trên thế giới dùng tiếng Anh như là một ngôn ngữ chính thức. Ngay cả tập san khoa học ở các nước mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh (như Hà Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Thái Lan, Mã Lai, thậm chí China, v.v.) cũng sử dụng tiếng Anh. Ngoài ra, các tập san tiếng Anh thường có tầm ảnh hưởng lớn hơn các tập san không viết bằng tiếng Anh. Đó là một thực tế. 

Chẳng những tập san khoa học, mà ngay cả các hội nghị quốc tế cũng sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ chính thức. Một thống kê [tôi đã quên nguồn] cho biết 99% các hội nghị y khoa tầm quốc tế trên thế giới đều dùng tiếng Anh"
.

Thế nên, khi đưa ra quyết định trên, chúng ta đã khẳng định rằng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng không thực sự cần thiết. Các vị GS, PGS của chúng ta không cần phải có công trình đăng trên các tập san trên thế giới. "Đá sân nhà" là đủ! Đó chính là tuyên bố đanh thép rằng, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển độc lập với nền khoa học thế giới.

Với độ ngũ khoảng 9000 GS như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có năng lực đưa đất nước hoàn thành mục tiêu, tới năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp.

Đất nước đã có đủ yếu tố để hình thành nên một "nền khoa học tự sướng"!


Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Bộ trưởng Đức gốc Việt: "Chưa hề có lý do học tiếng Việt"

LTS: Thấy báo chí nhà ta cứ bàn mãi về chuyện "gốc Việt" của ông Bộ trưởng Đức như kiểu....thấy sang bắt quàng làm họ. Nên thiển nghĩ, cần có một cái nhìn khách quan và đúng mực. Vì vậy, có thêm nguồn thông tin là một việc cần thiết!


 Bộ trưởng Đức gốc Việt: "Chưa hề có lý do học tiếng Việt"

Trong bài phỏng vấn với Spiegel, một tuần san tin tức nổi tiếng của Đức, Bộ trưởng Đức gốc Việt Rösler đã hé lộ những cảm xúc của mình về nơi chôn nhau cắt rốn.

Với gương mặt nghiêm nghị, điển trai và cặp kính không gọng thường trực và mái tóc chẻ ngôi bồng bềnh, Philipp Rösler tạo một vẻ ngoài thật trang trọng và trí thức. Chỉ mới 39 tuổi nhưng Rösler đã trở thành Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ đồng thời là Phó Thủ Tướng Đức. Với vẻ ngoài quyến rũ và kĩ năng giao tiếp tuyệt vời, Philipp Rösler đã trở thành một ngôi sao của Đảng Dân Chủ tự do FDP tại Đức. Trong bài phỏng vấn với Spiegel, một tạp chí tin tức hàng tuần của Đức, Rösler đã hé lộ những cảm xúc của mình về nơi chôn nhau cắt rốn.

1. Đến Việt Nam không phải vì việc cá nhân
Philipp Rösler ra đời năm 1973 tại Sóc Trăng, Việt Nam. Anh đã được 2 nữ tu, Mary Marthe và Sylvie Marthe, cưu mang cho đến 9 tháng tuổi, khi anh được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi và đem về Đức. Rösler chưa bao giờ muốn biết rõ về quá khứ của mình. Anh cảm thấy việc tìm kiếm một thứ gì đó có nghĩa là đã đánh mất thứ gì đó, trong khi bản thân anh lại không cảm thấy mình thiếu bất cứ thứ gì. Anh không có cảm giác đặc biệt gì về quê hương Việt Nam. Đối với Rösler, nước Đức là quê nhà. Việt Nam chỉ là một phần trong cuộc sống của anh mà anh thậm chí còn không nhớ nổi. Đây là những cảm xúc mà Rösler dành cho quê hương, được anh nhắc lại nhiều lần khi được hỏi về Việt Nam.

Trong lần đến Việt Nam sắp tới, Bộ trưởng Đức gốc Việt này đã hạ quyết tâm không đi ngao du mà chỉ tập trung vào công việc. Anh nói anh đến đây với tư cách đại diện của nền kinh doanh Đức chứ không phải là để lao vào công cuộc tìm kiếm dấu vết quá khứ của cá nhân.

Khi được hỏi anh có học một số từ tiếng Việt khi đến Việt Nam không, Rösler khẳng định: Đó sẽ là một việc không thành tâm. Tôi có gắn kết với nước Việt Nam vì đó là một phần cuộc đời tôi, nhưng tôi đến Việt Nam lần này với tư cách Bộ trưởng Kinh tế Đức”.

Hình ảnh Philipp Rösler thuở bé

2. “Việt Nam không có ý nghĩa đặc biệt nào với tôi”
Trong một bài phỏng vấn khác của Spiegel, khi được hỏi “Anh có từng cố học tiếng Việt” hay không, Rösler cũng trả lời chắc nịch: Không, tôi chưa từng có lý do nào để làm vậy. Điều này cũng dễ hiểu vì Rosler có liên quan với nước Đức, nơi anh lớn lên và thành công, nhiều hơn là với Việt Nam, nơi anh sinh ra: Tôi là người Đức, và tôi luôn cảm thấy mình giống như một người Đức”.
 
Phải đến năm 33 tuổi, Rösler mới về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Anh nói Đơn giản là tôi chẳng bao giờ có mong muốn quay trở về, vì Việt Nam chẳng có bất cứ ý nghĩa đặc biệt nào với tôi. Nếu anh không thiếu thứ gì, anh sẽ không đi tìm kiếm thứ gì cả. Cuối cùng tôi vẫn đi vì vợ tôi đã nói với tôi: “Chúng ta muốn có con, và em muốn mình có thể nói cho chúng biết về đất nước nơi anh đã sinh ra"”.

Trong chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 2006 theo lời thuyết phục của vợ, anh đã quyết định không đến Sóc Trăng, nơi anh sinh ra và cũng là nơi có cô nhi viện mà anh đã được cưu mang thuở bé. Mặc dù đã có tìm kiếm địa điểm mình sinh ra là Sóc Trăng, nhưng cuối cùng Rösler và vợ đã không viếng thăm nơi đó.  Rösler nghĩ rằng Sóc Trăng có thể không khác gì mấy so với những địa điểm khác tại Việt Nam. Tuy không gặp được 2 nữ tu đã cưu mang anh khi bé vào năm 2006, nhưng sau đó Rösler đã có liên lạc qua email với một trong 2 người. Rösler cũng cho biết anh không hề muốn biết tình cảnh nào đã đẩy mình đến cô nhi viện ở Sóc Trăng.

Khi được hỏi tại sao anh không đi tìm cha mẹ ruột, Rösler cũng chia sẻ thẳng thắn: Đối với tôi, cha (nuôi) tôi cũng như cha ruột. Mọi việc vẫn tốt đẹp theo cách của nó. Tôi không thiếu thốn bất cứ thứ gì”.

Trả lời câu hỏi "Anh có thôi thúc nào để tìm lại nguồn gốc của mình không?", Rösler cho biết: "Không, chưa bao giờ. Nước Đức là quê nhà tôi. Việt Nam là một phần cuộc sống của tôi mà tôi không có ký ức nào gợi nhớ về. Tôi lớn lên ở Đức. Ở đây có gia đình tôi, cha tôi và bạn bè tôi".

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Rösler khẳng định anh không có kế hoạch đi ngao du cá nhân nào, vì anh đến đây với tư cách Bộ trưởng Kinh tế, đại diện cho nền kinh tế Đức. Khi được hỏi ông có kế hoạch nào để thăm thành phố nơi ông sinh ra, Rösler không ngại ngần trả lời: "Không, chúng tôi không có kế hoạch cho việc đó. Nó chẳng có ý nghĩa sâu sắc nào hơn đối với tôi."

3. Người châu Á đáng ngưỡng mộ
Nói về nguồn gốc châu Á của mình với tạp chi Spiegel, Rösler cho biết vẻ ngoài đậm nét Á Đông của mình đã nói lên nguồn gốc, tuy nhiên anh không tinh thông võ thuật phương Đông và cũng không thường ăn thức ăn châu Á.

Với cương vị một người châu Á hiếm hoi trong hàng ngũ lãnh đạo ở Đức cũng như ở các nước phương Tây nói chung, Philipp Rösler đã từng gặp phải những ánh mắt ngạc nhiên. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ rằng tổng thống Obama đã không quá kinh ngạc khi thấy một người châu Á giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền Đức. Obama có vẻ thực sự thích thú và muốn tìm hiểu thêm về con đường sự nghiệp của Rösler.


Rösler cũng cho biết nhiều người xem anh như một hình mẫu lý tưởng. Khi chuẩn bị trở thành bộ trưởng, anh đã gặp một người da đen tại một nhà hàng. Ông này đã nói với Rösler: Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi một trong số những người chúng ta đã đến được đỉnh vinh quang. Rösler rất hài lòng về câu nói đó vì anh nghĩ đó là lời chia sẻ thật lòng và đến từ trái tim.

Bài viết được dịch từ hai bài phỏng vấn Philipp Rösler trên báo Spiegel:
http://www.spiegel.de/international/germany/spiegel-interview-with-economics-minister-roesler-i-used-to-dream-i-was-a-vietnamese-prince-a-775202.html
http://www.spiegel.de/international/world/interview-with-german-economy-minister-philipp-roesler-about-vietnam-a-855880.html

Nguồn: thebox.vn