Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Bản chất của hoạt động sáng tạo là độc lập

1. Vừa đọc xong câu ấy, có người bảo như thế. Mà ngẫm ra cũng chẳng sai. Có chăng chưa trọn vẹn bởi 2 chữ "sáng tạo" vốn bản thân nó mang một nội hàm rộng, khiến khó có thể vo tròn chỉ trong 1 câu nói như thế. Vậy rõ là, muốn sáng tạo thì phải có "tính độc lập".

Con người vốn chỉ là một nguyên tố trong cái xã hội rộng lớn, luôn luôn có sự tương tác. Từ khi sinh đến lúc trưởng thành, không thể nào thiếu những mối giao tiếp xã hội. Có chăng tồn tại được cái "tính độc lập", khi và chỉ khi, chúng ta hiểu rõ được bản thân và giữ được cái tôi trong suốt quá trình tương tác ấy.

2. Nói thì dễ, mà làm thì khó. Cái môi trường tập thể mà con người giao tiếp ngay từ thuở lọt lòng, chính là gia đình. Mà rồi, lớn lên cho đến chết, cũng vẫn nằm trong cái mối quan hệ ấy. Nên đó chính là môi trường tối quan trọng cho sự phát triển của "tính độc lập" trên.

Nhưng môi trường, tại đó mà chúng ta đang sống và hình thành nhân cách là như thế nào?

Các bậc cha mẹ luôn muốn con mình "giống" người khác. Nghĩa rằng, những gì con hàng xóm "có" và "đạt được" thì con mình cũng phải được như thế. Tôi có ông cậu ở Sài Gòn, có hai cô con gái và rất cưng chiều, cũng như kỳ vọng vào chúng. Mỗi lần ra Hà Nội, ông đều dẫn cô út đến nhà người bạn để nghe con bạn chơi piano. Và sau đó, luôn rót vào đầu đứa bé phải chơi đàn được như con bạn.

Đến bây giờ, trẻ con đi học, bố mẹ vẫn hỏi "con có được phiếu bé ngoan không?". Chẳng biết rõ, ai là người nghĩ ra cái "phiếu bé ngoan" độc hại thế không biết.

Chỉ tản mạn những câu chuyện về trẻ con vậy thôi. Chứ môi trường sống hiện tại, phục vụ có tốt cho hoạt động sáng tạo, không cần nói cũng rõ.

Nên thế mới thấy đúng. Không có "tính độc lập" thì đừng bao giờ mơ tới 2 chữ "sáng tạo".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét