Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Khi món khai vị bị thiu

Người Tây nghĩ ra món khai vị trước bữa chính, cốt để kích thích sự ngon miệng. Đó là Tây, còn Ta thì không.

Khi cầm một cuốn sách, phần Lời mở đầu, Lời Nhà Xuất Bản cũng giống như món khai vị, tăng sự kích thích, trí tò mò của độc giả để đưa dẫn họ đến với tác phẩm. Anh nào hay mua sách, thường dựa nhiều vào sự tham khảo thông qua đọc phần này để quyết định, có lựa chọn nội dung cuốn sách không.

Còn đa phần chúng ta, cũng giống việc trong bữa ăn hàng ngày không dùng món khai vị, chẳng mấy khi chú ý đến phần này. Nhưng thực, cái gì cũng có tính hai mặt. Vì bỏ qua, nên có thể ta sẽ tránh được món khai vị bị... thiu.

Một lần như thế, đó chính là nội dung phần Lời Nhà Xuất Bản trong cuốn "Bên kia Thiện Ác" của Nietzsche, được phát hành bởi NXB Văn hóa Thông tin. Trong đó có đoạn:

"F. Nietzsche tuyên bố "Thượng đế đã chết" để tôn xưng sức mạnh của con người. Con người sẽ thay thế thượng đế.... và "con người này" được quyền làm tất cả, chà đạp lên các giá trị đạo đức truyền thống, thống trị những người (yếu hơn) khác. "Kẻ mạnh là kẻ đúng, kẻ mạnh là đạo đức", đây gần như là tuyên ngôn toát ra từ các tác phẩm của F. Nietzschevà tư tưởng duy ý chí cực đoan này đã trở thành vết tỳ ố của nền văn minh nhân loại. Từ những tư tưởng loại này góp phần dẫn tới những vụ diệt chủng của Đức quốc xã trong thế chiến thứ II và vụ diệt chủng ở Campuchia trong nhãng năm gần cuối thế kỷ XX...."


Bàng hoàng!

Dù chưa được tiếp cận nhiều với Nietzsch, nhưng rõ ràng ông là một nhà triết học có đóng góp không nhỏ cho nền triết học thế giới. Nhưng rõ, với lời giới thiệu như trên, người ta đã đứng trên quan điểm triết học khác, quan điểm giai cấp để phỉ báng ông.

Hoặc ông viết lời tựa của NXB này chẳng có thời gian và bận tâm tới việc đọc tác phẩm và lấy bừa câu của bác nào đó mà phang vào. Mà ngay cả đến Hội đồng xét giải của Hội nhà văn không đọc tác phẩm, mà cũng bỏ phiếu chấm đấy thôi.

Tuy nhiên, có một người bạn trong giới làm sách, đã đưa ra một ý kiến cũng khá chuẩn. Đó là họ cố tình viết "bôi nhọ" như vậy, để thoát khỏi sự kiểm duyệt phát hành. Vì mấy anh làm kiểm duyệt cũng chỉ đọc lướt qua, thấy ổn là cấp phép. Nếu quả thật như thế, thì đáng thương cho nền học thuật và tri thức nước nhà. Bởi tất cả đều dối trá.

Và khi đó, người đọc không chỉ bị ăn phải món tráng miệng bị thiu, mà ngay cả món chính cũng chẳng ra gì!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét