Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Phản tỉnh

Trong 2 chữ "phản tỉnh" thì phản có nghĩa là hành động ngược lại so với những gì đang diễn ra. Còn tỉnh có nghĩa là "tỉnh giác". Như hòa thượng Thích Thanh Từ có nói: Tập soi lại mình là tỉnh giác. Nghĩa rằng, khi nói tới phản tỉnh là ta cần nhận thấy cần phải có những hành động kịp thời để quay về với trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không mê mờ.

Nhưng thực, ý thức phản tỉnh chẳng phải bỗng chốc mà có được. Tự soi lại mình để quay về con đường chánh đạo không hề dễ. Đôi khi, có thể ví nó bất khả thi nhưng tự tóm tóc nâng mình lên vậy. Khi chưa thể tìm cầu những yếu tố nội tại, người ta có thể nương vào trước nhất yếu tố bên ngoài bản thể.

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã viết rằng: "Tại Làng Mai, mỗi khi tụng Tam Quy là tụng theo tiến trình "Con về nương tựa Bụt" trước, rồi đến "Đã về nương tựa Bụt", sau cùng là "Về nương tựa Bụt trong con". "Con về nương tựa Bụt" là bước đầu của sự thực tập: thất Bụt ở ngoài".

Đôi khi chúng ta cần một chiếc gương soi. Ta nhìn thấy hình ảnh mình trong đó, biết mình đẹp xấu ra sao. Chẳng dễ mà trên con đường hoạn lộ dường như đầy thuận lợi, ta lại nghe thấy được tiếng gọi nào đó khiến ta tỉnh giấc và nhìn thấy những nguy hại tiềm ẩn phía trước. Lúc đó, ta cần một tiếng gọi thật to, đánh thức và đưa ta ra khỏi cơn mê.

Những con người xung quanh trong cuộc sống hàng ngày chính là những tấm gương ta có thể soi vào trong cuộc sống thường nhật. Họ làm những việc trên con đường riêng, theo lý tưởng riêng. Ta nhìn vào họ để soi rõ xấu tốt, sự dũng cảm hay đớn hèn, sự dấn thân hay hèn mạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét