Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Bàn về danh dự


Ngẫm thấy, tự cổ chí kim, dù được hiểu đến lớp nghĩa nào, thì 2 chữ “danh dự” luôn đáng quý, đáng trân trọng. Mà như từng có những người tôn sùng mà quên đi sinh mệnh bản thân.

Cứ theo cái nghĩa thông thường mà người đời nay đa phần nhìn nhận, danh dự được xem như là “tiếng tốt” mà xã hội đánh giá, nhìn nhận một con người. Trong mối quan hệ giữa con người và xã hội, thực có thể tạm nhìn nhận theo 2 góc độ: ngoài – trong, khi tiếp tục xem xét 2 chữ “danh dự” này.

Cái ngoài “khách thể” là cách xã hội nhìn nhận con người có danh dự hay không. Vì người ấy có đức tính tốt, có tài năng, đóng góp công lao cho xã hội. Đó là cách xã hội vinh danh con người.

Rồi xét tới, cái cách con người tiếp cận cách đánh giá đó như thế nào. Quả có con người hiểu mình, hiểu người cho rằng cái vinh danh đó xứng hay không? Có kẻ mê muội nhận lấy dù thực phần mình không xứng đáng. Đó là cách mỗi con người tự nhận thức rõ bản thân xem mình có xứng đáng không với cái mà xã hội “vinh danh” đó. Thực thấy, nó như là cái tương tác “trong – ngoài” mà ta đang xét đến vậy.

Cái “trong” đang nói ở đây, chính là cái nhân tố con người, cái trình độ nhận thức của mỗi một con người. Bởi thực, con người có cái tật hiếu danh và không có thói quen tự vấn, nên sinh ra cái u mê, tính dục.

Cứ theo 3 cách phân “cấp” như thế, chính là đánh giá cái “chân danh dự” vậy. Bởi khi con người đã đạt tới cái “minh”, hay cái “ngộ” thì danh dự ấy hoàn toàn là xứng đáng. Như Kant có nói: “Một ý định tốt không phải do những gì nó tác động hay thực hiện. Nó tốt ngay trong chính bản thân nó, dù nó có thành công hay không. Nếu đã nỗ lực tối đa vẫn không thực hiện được điều gì cả…thì nó vẫn sẽ tỏa sáng như một viên ngọc quý vì chính bản thân nó đã có giá trị đầy đủ”.

Như cụ Phạm Quỳnh đã từng đề cập tới trong “Danh Dự Luận”: Không có lòng danh dự mà có tính hiếu danh, thời dễ táng tận lương tâm, lương tâm đã táng thất thời con người ấy làm cho mà chẳng được? Cái con người quỵ lụy, khúm núm trước mặt người trên kia, muốn đẹp lòng trên để cầu lấy danh tiếng hão với kẻ khác, ví phải bán vợ đợ con đi mà cầu cho được, tưởng cũng không đừng”.

Thực, trong cái xã hội chúng ta, không còn những gì có thể giúp nhìn ra hai chữ “danh dự” kia nó tồn tại. Những hệ thống giá trị đem vinh danh, tưởng thấy chỉ là cái hư danh phù phiếm, không đánh giá nổi nửa phần giá trị con người. Ấy thế mà cũng có những kẻ vì cái danh hiệu “nhân dân”, “ưu tú” mà mọp lưng nhận ban phát đấy sao?

Những giá trị chân chính bị hủy hoại qua năm tháng, khiến con người mất niềm tin vào đồng loại, thậm chí ngay chính bản thân mình. Có bao giờ, ta phải nhìn mâm cơm mà lòng tự hỏi: “Có cái gì không bị nhiễm độc không?”.

Cứ đem từng đó chữ ra mà luận, thì thấy hai chữ “danh dự” đã chẳng còn. Thì mong sao để người ta phải tôn sùng mà quên đi sinh mệnh bản thân như vốn có?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét