Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Nền khoa học "tự sướng"

Vừa đọc thấy thông tin "Từ tháng 10 năm nay, các ứng viên cho chức danh GS, PGS không phải đáp ứng quy định sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Đây là điểm thay đổi trong quy trình xét công nhận chức danh GS, PGS được đưa ra theo một thông tư sửa đổi do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 11/9".

Như vậy là, điều kiện trở thành GS và PGS đã trở nên...thông thoáng hơn. Hàng năm, sẽ có thêm nhiều người nữa được phong danh hiệu này. Mà ắt hẳn, trước khi về hưu được phong học hàm hẳn sẽ có thêm cái gì đó ở tuổi "dưỡng già" (xin lỗi những vị GS, PGS chân chính!)

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Tuấn: "Đại đa số các tập san khoa học trên thế giới dùng tiếng Anh như là một ngôn ngữ chính thức. Ngay cả tập san khoa học ở các nước mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh (như Hà Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Thái Lan, Mã Lai, thậm chí China, v.v.) cũng sử dụng tiếng Anh. Ngoài ra, các tập san tiếng Anh thường có tầm ảnh hưởng lớn hơn các tập san không viết bằng tiếng Anh. Đó là một thực tế. 

Chẳng những tập san khoa học, mà ngay cả các hội nghị quốc tế cũng sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ chính thức. Một thống kê [tôi đã quên nguồn] cho biết 99% các hội nghị y khoa tầm quốc tế trên thế giới đều dùng tiếng Anh"
.

Thế nên, khi đưa ra quyết định trên, chúng ta đã khẳng định rằng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng không thực sự cần thiết. Các vị GS, PGS của chúng ta không cần phải có công trình đăng trên các tập san trên thế giới. "Đá sân nhà" là đủ! Đó chính là tuyên bố đanh thép rằng, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển độc lập với nền khoa học thế giới.

Với độ ngũ khoảng 9000 GS như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có năng lực đưa đất nước hoàn thành mục tiêu, tới năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp.

Đất nước đã có đủ yếu tố để hình thành nên một "nền khoa học tự sướng"!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét