Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

5 trong 1

Bữa nay, có đọc được bài "5 nguyên nhân đẩy năng suất lao động VN xuống đáy" của TS Nguyễn Sĩ Dũng -  Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thực thì, mình cũng không phải là Tiến Sĩ, nên để dùng 2 chữ "góp ý" hay "phản biện" có lẽ không dám. Nhưng rõ, thấy 5 cái nguyên nhân này hình như chỉ là 1?

5 lý do đưa ra là:

Trước hết, ở việc tổ chức lao động chưa khoa học. Phần nhiều chúng ta vẫn đang quản trị doanh nghiệp theo thói quen và sự tùy tiện. Nhiều khi vì người mà đẻ ra việc, chức chưa chắc đã vì việc mà phải chọn người.
------> Đây là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực

Nguyên nhân thứ hai, nằm ở hệ thống đào tạo thiên về việc “dạy lý thuyết bơi, hơn là dạy kỹ năng bơi”. Đây là dấu ấn của mô hình giáo dục Xô-viết. Ta cử nhiều người đi học Liên Xô và chúng ta đã học được mô hình này. Nó có lẽ không xấu, nhưng chỉ tốt quá lâu mà thôi. Chúng ta đào tạo ra những người ngồi trên bờ thao thao bất tuyệt về lý thuyết bơi, nhưng xuống nước thì lại chết đuối.
------> Đây là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ ba, người Việt mình thường nhanh, nhưng không sâu. Thấy người khác làm là mình có thể học theo chẳng mấy khó khăn và tự mãn ngay về điều đó. Cuối cùng, cái gì bạn có vẻ cũng làm được, nhưng ít khi có cái gì làm được đến nơi đến chốn. Ta nói năng suất song phải đi với chất lượng.
 ------> Đây là vấn đề dân tộc tính + giáo dục

Thứ tư, chúng ta không có đủ tiền để đổi mới công nghệ.  Muốn tăng năng suất, thì phải có công nghệ mới. Muốn có công nghệ mới, phải có tiền. Và thế là bó tay.com. Chưa nói tới chuyện  có những công nghệ nguồn muốn mua cũng không được.
------> Đây là vấn đề phân bổ nguồn lực

Thứ năm, áp lực cạnh tranh ở ta nơi có, nơi không. Trong một số lĩnh vực độc quyền như điện lực, xăng dầu… tăng năng suất không bằng tăng giá. Muốn có lợi nhuận bao nhiêu cứ đưa vào giá việc gì phải tăng năng suất cho mệt. Cuối cùng, anh có năng suất lao động cao chắc gì đã có lãi bằng anh có độc quyền?
------> Đây là vấn đề cơ chế quản lý

Vậy ở đây, nguyên nhân thứ nhất, thứ hai, thứ ba nằm ở vấn đề cải cách giáo dục và đào tạo. Dân tộc tính có thể thay đổi được hay không cũng từ giáo dục mà ra.

Như thế, đặt ra câu hỏi: Sau bao nhiêu năm, giáo dục của chúng ta hình như còn "thụt lùi" đi? Có phải cải cách giáo dục quá khó, không có mô hình nào đáng để tham khảo, hay vì, nếu đào tạo "con người mới" thì sẽ tạo ra những thay đổi lớn?

Nguyên nhân thứ tư và thứ 5 đã chỉ ra rõ, vấn đề nằm ở cơ chế phân bố nguồn lực không công bằng, và chế độ độc (đặc) quyền. Khi các Tổng công ty, Tập đoàn hoạt động không hiệu quả, mà vẫn được bơm tiền đều đặn thì lấy tiền đâu ra mà đổi mới công nghệ.

Thêm nữa, muốn đổi mới công nghệ, anh phải nắm rõ việc đưa nền sản xuất theo hướng nào, tập trung vào ngành nào.... Chứ có phải muốn là mua công nghệ là được đâu?!

Rồi nữa, khi cơ chế độc quyền vẫn ngày càng bóp nghẹt nền sản xuất tư nhân, thì lấy đâu ra sự cạnh tranh. Sẽ không bao giờ có chuyện, tồn tại sự cạnh tranh giữa các ông lớn nhà nước - đó là điều chắc chắn. Giữa họ chỉ là sự thỏa thuận phân chia nguồn lực mà thôi.

Cạnh tranh chỉ có thể có được khi phát triển nền kinh tế tư nhân, cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước và xóa bỏ độc quyền.

Vậy, tất cả các lý do trên, tựu chung lại là do CƠ CHẾ. Nên, tác giả (chỉ cần như các "học giả" khác) nói rằng.....LỖI TẠI CƠ CHẾ là xong thôi!

Với nền sản xuất dựa trên sở hữu tập thể, phân bổ theo cơ chế xin cho, thì lý do đưa ra là: "ALL IN ONE".




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét