Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Góp ý kiểu gì?


Thực từ trước tới nay chẳng bao giờ thích bàn chuyện chính trị. Vì chẳng biết và cũng chẳng ham (nói ghét thì hơi quá). Nhưng vừa rồi thấy có bàn chuyện "Góp ý sửa Hiến pháp qua internet", thấy lạ quá, ngạc nhiên quá và quá sức tưởng tượng. Thế nên lại sinh ra băn khoăn và đôi chút hồ nghi cái hiệu quả của nó.

Hiến pháp là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền.Ngoài Hiến pháp được hiểu như hiến pháp chính quyền còn có một số hình thức khác mang nghĩa rộng hơn như là hiến chương, luật lệ, nguyên tắc giữa các tổ chức chính trị (Wikipedia). Nói thế để thấy, Hiến pháp không phải là chuyện đơn giản để mà bàn.

Đa phần nhân dân còn chưa nắm được tinh thần pháp luật, bản chất các tổ chức chính trị, cơ chế vận hành nhà nước, và rất nhiều vấn đề thượng tầng khác có liên quan. Vậy thì hỏi, dân sẽ góp ý được cái gì cho Hiến pháp?

Thôi thì cứ tạm tin tưởng nhau rằng, bản dự thảo sẽ được đưa tới tay tất cả các tầng lớp (chứ không phải là nhóm được chọn sẵn), thì có ai đảm bảo rằng, dân đọc và hiểu hết những điều ghi trong đó. Chứ chưa nói tới chuyện góp thêm ý kiến.

Và rồi, những ý kiến đóng góp chưa xác đáng đó sẽ được tập hợp lại và minh chứng cho cái gọi là "trình độ dân trí còn thấp". Và lần sau sẽ bị bỏ qua trong vấn đề cần phải có dân chủ!

Nên nghĩ, cái việc sửa này cần chỉ cần sự góp ý của những thành phần có hiểu biết (tinh hoa dân tộc - không dùng từ trí thức) là đủ. Toàn bộ các ý kiến góp ý, khi đó, được thông báo để đại bộ phận nhân dân đọc và giám sát đại diện của mình tại Quốc hội hay các tổ chức khác.

Thế là được. Chứ cứ chạy theo cái danh dân chủ, có khi lại chẳng còn tí dân chủ nào ấy chứ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét