Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Ai là thủ phạm?

1. Lại nhớ, lúc còn bé trong làng vẫn có trò ăn cắp điện. Hồi đó, đường dây điện chỉ có trần trùi trụi chạy vắt qua mảnh làng. Cứ đến chiều, trong làng mỗi nhà cầm 1 cây sào thật dài ra, ngoắc lên trên đường điện. Thế là có điện dùng "chùa". Rồi nay, mọi thứ cũng khác. Ăn cắp không còn được tiến hành theo cách "nguyên thủy" như ngày xưa. Bây giờ, người ta kẹp chì vào công tơ điện. Điện bị ăn cắp

Cũng ngày xưa, làng mình các nhà cũng ngấm ngầm ra xẻ đường ống chung, mắc trộm đường dẫn vào cái bể ngầm. Thế là, nghiễm nhiên có cái bể nước to, dùng nước thoải mái mà chẳng cần phải đóng tiền. Còn chuyện cái bể nước chung ở khu phố, chẳng cần ăn trộm. Cứ gọi là dùng "tràn tunh mây" - tài sản xã hội chủ nghĩa. Nay mọi thứ dần được thiết lập quy củ hơn. Người ta lại...kẹp chì...cho các đồng hồ nước. Nước bị ăn cắp

Dân số thành thị tăng nhanh, đường xá không đáp ứng kịp tốc độ phát triển. Ai cũng vội vàng, chen nhau sao cho đảm bảo được việc riêng của mình. Thế là tắc đường, mất thời gian. Thời gian bị mất

Đến việc đi làm nơi công sở, cũng nhanh nhanh chóng chóng điểm danh, quẹt thẻ, báo danh bằng máy chấm công rồi chạy ra ngoài làm cốc trà đá, ly cà phê. Nếu có việc phải đi ra ngoài, thì lẩn một mạch tới hết giờ làm, khỏi quay lại văn phòng. Thời gian bị "đánh cắp"

2. Chúng ta đa phần đều cảm thấy "thỏa mãn" khi đánh cắp được những thứ như trên. Đó là của chùa - cha chung không ai khóc. Có hiểu biết hơn chút thì bảo: Đó là của Nhà nước. Chẳng phải của mình!

Nhưng thực, nhà nước ở đây là cái gì? Nếu đó không phải là bộ máy chúng ta thuê, và trả công bằng tiền thuế chúng ta đóng.

Chúng ta luôn kêu rằng, mình bị móc túi. Cố nhiên, bộ phận cán bộ quản lý (chúng ta thuê) tham nhũng, đó là những tên ăn cắp "tài sản" của chúng ta.

Nhưng ngoài họ ra, chính thực, chúng ta lại "ăn cắp" của chính mình. Người này ăn cắp được điện, kẻ kia ăn cắp được nước. kẻ thì phung phí thời gian. Thì hóa ra, chúng ta - người dân, đã vô tinh móc túi nhau.

Nên nếu gạt ra ngoài bộ phận công quyền ăn cắp của dân, thì chính chúng ta là thủ phạm.

Trong "vụ án" này, chúng ta vừa là nguyên đơn, vừa là bị đơn.

Nên nghĩ, trước khi trách bộ máy công quyền, chúng ta cần phải ý thức được: Tính tủm mủn, ăn cắp vặt chính là nguyên nhân khiến "túi tiền" của chúng ta "ngót" lại!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét