Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Công tác phân loại trí thức

Cứ nói nôm na, trí thức là những người nắm vững tri thức. "Tri thức giành được thông qua các quá trình nhận thức phức tạp: quá trình tri giác, quá trình học tập, tiếp thu, quá trình giao tiếp, quá trình tranh luận, quá trình lý luận, hay kết hợp các quá trình này" (Wikipedia). Hay các cụ có câu: "Nhân bất học, bất tri lý".

Dân tộc chúng ta vốn có tinh thần hiếu học. Nên thực, việc chúng ta ai cũng là trí thức thì chẳng phải bàn cãi. Chẳng những thế, dân chúng ta "đông tây kim cổ" cái gì cũng biết cả, nên chẳng ngoa mà nói: Trí thức của chúng ta phải được gọi là "Siêu Trí thức".

À. Lại nói tới chuyện phân loại, thì đúng là phải làm việc đó thật. Chúng ta cũng đã chẳng vẫn thực hiện công tác phân loại cán bộ đó sao? Phân loại cán bộ chính là để quy hoạch và đào tạo cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất. Nên vậy, trí thức cũng cần phải phân loại. Tất nhiên mục đích là để quy hoạch và đào tạo trí thức có đủ tầm cỡ, nhằm đưa dân tộc ta vững bước đi trên con đường đã chọn.

Chúng ta có "trí thức trẻ" là những người luôn tiên phong xung kích trên các mặt trận đòi hỏi sức trẻ. Ví như, phong trào "60 trí thức trẻ nhận nhiệm vụ tại các xã miền núi". Đó là phân theo lứa tuổi.

Theo chức năng và nhiệm vụ, chúng ta còn có "trí thức độc lập" và "trí thức cận thần". Nói một cách nôm na, "trí thức độc lập" là trí thức không phụ thuộc vào giới cầm quyền; còn "trí thức cận thần" là không có sự độc lập, ít nhiều phụ thuộc vào chính quyền. (Bên cạnh đó, một cụm từ khác có nghĩa gần tương tự với "trí thức cận thần", đó là "trí thức phò chính thống", do nhà văn Phạm Thị Hoài nêu ra). 

Mục tiêu tổng quát của Chiến l­ược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo h­ướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau” 

Trong đó, trí thức đóng vai trò không phải là...cục cứt (như Mao Trạch Đông nói). Vì thế, việc phân loại, quy hoạch trí thức là rất quan trọng. Từ đó, chúng ta có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển trí thức sao cho phù hợp với tình hình và mục tiêu đề ra.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét